Luật PBGDPL năm 2012 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012; có hiệu lực thi ngày ngày 01/3/2013. Năm 2022, thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ đã thực hiện tổng kết 10 năm thi hành Luật PBGDPL năm 2012 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trong 10 năm qua việc tổ chức thực hiện Luật PBGDPL năm 2012 đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Luật PBGDPL đã từng bước đi vào cuộc sống; nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác PBGDPL được nâng lên đáng kể, từng bước xem đây là nhiệm vụ đầu tiên, then chốt nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; ổn định an ninh, trật tự tại địa phương. Các hình thức thực hiện PBGDPL đa dạng, tăng cường ứng dụng CNTT trong thực hiện PBGDPL; nội dung PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm; quan tâm thực hiện PBGDPL đến các đối tượng đặc thù. Quan tâm bố trí nguồn kinh phí, nhân lực phục vụ cho công tác PBGDPL, đồng thời, bước đầu huy động được các nguồn lực XHH nhằm tăng cường hiệu quả của công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực đạt được trong triển khai, thi hành Luật PBGDPL năm 2012, đến nay, Luật PBGDPL đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Do đó, để từng bước đáp ứng các yêu cầu của Đảng và Nhà nước trong trong thời gian tới góp phần xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật và Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, cần nghiên cứu, xem xét việc đổi mới, sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật PBGDPL năm 2012, trong đó Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ có một số kiến nghị, đề xuất như sau:
1. Về cơ chế phân cấp, phân quyền trong công tác PBGDPL
Hiện nay, Luật PBGDPL năm 2012 quy định khá chung chung về trách nhiệm, thẩm quyền PBGDPL của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, do vậy, trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị, địa phương đôi khi còn lúng túng trong việc xác định trách nhiệm PBGDPL; nhầm lẫn trong việc xác định cơ quan quản lý nhà nước về PBGDPL và cơ quan có trách nhiệm phải thực hiện PBGDPL. Do vậy, đề nghị xem xét, bổ sung nội dung cụ thể trong việc phân định rõ ràng trách nhiệm, thẩm quyền PBGDPL chuyên ngành của các cơ quan ở trung ương và địa phương cũng như giữa chính quyền địa phương các cấp; theo hướng Bộ, ngành nào chủ trì dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thì Bộ, ngành đó phải chịu trách nhiệm chính về việc PBGDPL văn bản pháp luật đó.
Đồng thời, hiện nay, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, thì một số quy định về phân cấp trong Luật PBGDPL năm 2012 cũng không còn phù hợp với tình hình mới. Do vậy, đề nghị rà soát, nghiên cứu sửa đổi về việc phân cấp, phân quyền trong Luật PBGDPL cho phù hợp với việc tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
2. Nâng cao hiệu quả mô hình Hội đồng phối hợp PBGDPL
Hiện nay, căn cứ Điều 7 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành quyết định thành lập, kiện toàn HĐ Phối hợp PBGDPL tỉnh với 41 thành viên; 100% huyện, thành, thị đều thành lập Hội đồng Phối hợp PBGDPL cấp huyện.
Tuy nhiên, mô hình Hội đồng phối hợp PBGDPL trên địa bàn trong thời gian qua hoạt động mới cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo chỉ đạo của cơ quan cấp trên, chưa có nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo nổi bật. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các lý do sau: (1) Thành viên của Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nghiệm, chưa sát sao với nhiệm vụ PBGDPL; (2) Không/khó tổ chức được các sinh hoạt/họp định kỳ do đó chưa nâng cao được hiệu quả của Hội đồng; (3) Chế độ chính sách đối với thành viên Hội đồng hầu như không có... Do đó, để thúc đẩy hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL, đồng thời nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động của từng thành viên Hội đồng, đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Luật PBGBPL theo hướng quy định cụ thể hơn về chế độ làm việc, sinh hoạt hội họp định kỳ và thông tin, báo cáo của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, quy định cụ thể về thành phần thành viên, trách nhiệm của thành viên Hội đồng nhằm nâng cao trách nhiệm của mỗi thành viên trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo các nhiệm vụ PBGDPL, đặc biệt đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, cũng như quy định bổ sung về chế độ chính sách cho Thành viên tham gia Hội đồng
Rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật về việc bỏ Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện; xem xét việc thành lập Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Việc thành lập Hội đồng phối hợp PBGPL cấp xã là hoàn toàn phù hợp với tình hình mới nhằm xây dựng, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường thực hiện hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn cơ sở.
3. Về cơ chế quản lý đội ngũ nguồn nhân lực thực hiện PBGDPL; huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác PBGDPL
Tính đến ngày 31/12/2024, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 75 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 312 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 2.952 tuyên truyền viên pháp luật. Tuy số lượng đội ngũ BVCPL, TTVPL thường xuyên được quan tâm, kiện toàn phù hợp, đảm bảo các tiêu chuẩn điều kiện luật định, tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật của đội ngũ này còn hết sức hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu: Báo cáo viên pháp luật làm việc kiêm nhiệm, thiếu tính chuyên nghiệp và chưa đề cao nhiệm vụ làm báo cáo viên; công việc phổ biến pháp luật được xác định mang tính hỗ trợ, giúp đỡ; chưa được xác định là trách nhiệm, nghĩa vụ của báo cáo viên (chỉ tham gia hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật khi thu xếp được thời gian hoặc bắt buộc thực hiện); nghiệp vụ, kỹ năng truyền đạt, thuyết trình hạn chế; có quan niệm xem nhiệm vụ PBGDPL chỉ là trách nhiệm của ngành Tư pháp. Tỷ lệ BCVPL, TTVPL tham gia PBGDPL trực tiếp thấp...
Do vậy, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ này, đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định về các nội dung như: (1) Tăng cường quản lý/yêu cầu về thời gian hoạt động nhất định hằng năm của đội ngũ này trong thực hiện nhiệm vụ PBGDPL. (2) Yêu cầu về việc tổ chức/tham gia đào tạo, bồi dưỡng bài bản định kỳ (không chỉ là cập nhật thông tin, kiến thức pháp luật mà còn tổ chức/tham gia bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng truyền đạt, thuyết trình) cho đội ngũ này; (3) Nghiên cứu, xây dựng mức kinh phí thù lao cho hoạt động của báo cáo viên tương xứng với nhiệm vụ, theo hướng cần xây dựng cơ chế về kinh phí thù lao cho báo cáo viên theo ngày làm việc, bao gồm cả thời gian nghiên cứu tài liệu, khảo sát đánh giá về đối tượng được phổ biến pháp luật (hoàn cảnh, nhu cầu, đặc điểm kinh tế, văn hóa…), thời gian chuẩn bị và thời gian tiến hành phổ biến pháp luật. Hiện nay, mức chi thù lao cho báo cáo viên thực hiện theo quy định tại Thông tư số 56/2023/TT-BTC ngày 18/8/2023 được dẫn chiếu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, khoản 2 Điều 5 của Thông tư quy định: Mức chi thù lao giảng viên, báo cáo viên tối đa là 2.000.000 đồng/người/buổi (04 tiết học), ngoài ra, Thông tư không tính đến chi hỗ trợ/thù lao cho thời gian chuẩn bị bài giảng của báo cáo viên (như: nghiên cứu tài liệu, khảo sát đánh giá đầu vào, xây dựng kịch bản giảng dạy, xây dựng slide bài giảng, chuẩn bị dụng cụ phục vụ giảng dạy ....)
Hiện nay, Luật PBGDPL năm 2012 cũng đã có quy định chung chung về việc khuyến khích thực hiện và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ kết quả thực hiện còn khiêm tốn, sự tham gia của các nguồn lực ngoài nhà nước đối với công tác này còn hết sức hạn chế (Chỉ có một số hỗ trợ hoạt động PBGDPL trong các trường học; huy động nguồn lực XHH trong thực hiện PBGDPL tại một số địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao).
Do vậy, để tạo cơ sở pháp lý, tăng cường việc thực hiện xã hội hóa nhằm huy động được các nguồn lực xã hội, đặc biệt là nhân lực trong thực hiện công tác PBGDPL, đề nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật PBGDPL theo hướng quy định trách nhiệm cụ thể trong thực hiện/phối hợp thực hiện hoạt động PBGDPL đến một số tổ chức, cá nhân như: Doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, luật sư, luật gia...., đồng thời, nghiên cứu, quy định những chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp đối các chủ thể đó khi tham gia đầy đủ vào hoạt động PBGDPL.
4. Về hình thức PBGDPL; tổ chức PBGDPL cho đối tượng đặc thù theo hướng trọng tâm, trọng điểm
Điều 11, Luật PBGDPL năm 2012 quy định về các hình thức PBGPL, tuy nhiên để nâng cao hiệu quả của công tác PBGDPL và đảm bảo phù hợp với trong giai đoạn mới, cần có những quy định kịp thời về các hình thức, phương pháp PBGDPL theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động PBGDPL. Đây cũng là việc tạo cơ sở pháp lý phù hợp cho tiến trình thực hiện chuyển đổi số trong PBGDPL thời gian tới
Luật PBGPL năm 2012 quy định 6 nhóm đối tượng đặc thù trong PBGDPL đó là: Người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; người lao động trong các doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình; người khuyết tật; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo. Đồng thời, cũng quy định những nội dung, hình hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả PBGDPL cho các đối tượng đặc thù và phù hợp với giai đoạn mới, cần nghiên cứu, rà soát lại việc quy định nội dung, hình thức PBGDPL cho một số đối tượng đặc thù đã quy định trong Luật PBGDPL nhằm có sửa đổi, bổ sung kịp thời về các nội dung cũng như các hình thức PBGDPL đảm bảo bao quát hết nhu cầu thông tin pháp luật trong thực tế hiện nay của các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, xem xét, sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan trong việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ tổ chức PBGDPL đối với từng đối tượng đặc thù theo quy định.
5. Phát huy vai trò nền tảng của hoạt động giáo dục pháp luật trong nhà trường
Một trong các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới là phải nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực công tác xây dựng pháp luật, trong đó có nhiệm vụ đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tập trung xây dựng văn hoá tuân thủ pháp luật. Để đạt được mục tiêu xây dựng văn hóa tuân thủ pháp trong thời gian tới, thì việc giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật trong trường học có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho các em học sinh, sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thời gian qua, công tác này cơ bản đã được tổ chức thực hiện khá đầy đủ, tuy nhiên kết quả giáo dục pháp luật vẫn còn một số hạn chế. Để tăng cường hơn nữa hoạt động giáo dục pháp luật trong nhà trường, đề nghị xem xét, sửa đổi bổ sung một số quy định Luật PBGDPL về công tác này theo hướng nâng cao hơn nữa trách nhiệm Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường, cơ sở giáo dục. Đồng thời, nghiên cứu rà soát, sửa đổi bổ sung các nội dung, hình thức giáo dục pháp luật trong nhà trường đảm bảo bao quát, phù hợp với từng đối tượng cấp học trong giai đoạn mới, nâng cao hiệu quả tiếp cận pháp luật của học sinh, sinh viên...
Lê Uyên