Căn cứ Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2015 và thay thế Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã, Thông tư liên tịch số 18/2011/TTLT-BTP-BNV ngày 19/10/2011 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện về bồi thường nhà nước và Điều 4, Điều 5, Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VPCP-BNV ngày 26/01/2011 của Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của bộ phận kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngày 03 tháng 6 năm 2016, Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ thay thế Quyết định số 1197/2010/QĐ-UBND ngày 06/5/2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ về việc ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp.
Theo đó, một số nội dung mới cơ bản của Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 03/6/2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ được ban hành như sau:
* Về chức năng
Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Công tác xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; pháp chế; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; hộ tịch; quốc tịch; chứng thực; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; bồi thường nhà nước; trợ giúp pháp lý; luật sư; tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; bán đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật
*Về nhiệm vụ, quyền hạn
Những nhiệm vụ, quyền hạn được mở rộng, tăng cường theo các văn bản mới được ban hành
Về theo dõi thi hành pháp luật: Sở Tư pháp được giao bổ sung nhiệm vụ xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn; đôn đốc, kiểm tra và đề xuất với UBND tỉnh về việc xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Về phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở: Sở Tư pháp được tăng cường nhiệm vụ: theo dõi, hướng dẫn công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương; đôn đốc, kiểm tra các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên địa bàn.
Trong công tác hòa giải ở cơ sở, nhiệm vụ của Sở Tư pháp cũng được mở rộng hơn, bao gồm các nhiệm vụ: hướng dẫn tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật; hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo Quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hướng dẫn của Bộ Tư pháp..
Về hộ tịch: Để bảo đảm phù hợp với Luật Hộ tịch khi có hiệu lực vào ngày 01/01/2016, chức năng của Sở Tư pháp đã được điều chỉnh, trong đó có các nhiệm vụ mới về xây dựng hệ thống tổ chức đăng ký và quản lý hộ tịch; quản lý, cập nhật khai thác Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo quy định.
Về lý lịch tư pháp: Bên cạnh nhiệm vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp, các nhiệm vụ mới của Sở Tư pháp trong lĩnh vực này bao gồm: Xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại địa phương;Tiếp nhận, xử lý thông tin lý lịch tư pháp do Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự, các cơ quan, tổ chức liên quan và Trung tâm lý lịch tư pháp quốc qua cung cấp; Cung cấp Lý lịch tư pháp, thông tin bổ sung cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia; cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp khác; Lập lý lịch tư pháp, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp bổ sung theo quy định.
Về quản lý luật sư, tư vấn pháp luật: Bên cạnh các nhiệm vụ được kế thừa tại Quyết định số 1197/2010/QĐ ngày 06/5/2010, Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 03/6/2016 đã quy định rõ hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước của Sở Tư pháp đối với Đoàn luật sư của địa phương và trách nhiệm của Sở Tư pháp trong lập danh sách, theo dõi người đăng ký hành nghề tại Đoàn luật sư địa phương.
Về giám định tư pháp: Sở Tư pháp được giao thêm nhiều nhiệm vụ trong quản lý Văn phòng giám định tư pháp, hoạt động giám định tư pháp và đội ngũ người làm công tác giám định tư pháp tại địa phương theo Luật Giám định tư pháp.
Về công tác pháp chế: Quy định các nhiệm vụ của Sở Tư pháp trong quản lý công tác pháp chế tại địa phương.
Những nhiệm vụ, quyền hạn mới được giao so với Quyêt định số 1197/2010-UBND ngày 06/5/2010.
Bổ sung quy định nhiệm vụ ,quyền hạn về kiểm soát thủ tục hành chính của Sở Tư pháp tại Khoản 8 Điều 2 Quyết định 16/2016/QĐ-UBND ngày 03/6/2016; về xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật tại Khoản 11 Điều 2 Quyết định 16/2016/QĐ-UBND ngày 03/6/2016; về bồi thường nhà nước tại Khoản 14 Điều 2 Quyết định 16/2016/QĐ-UBND ngày 03/6/2016; về quản lý công tác thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính tại Khoản 24 Điều 2 Quyết định 16/2016/QĐ-UBND ngày 03/6/2016.
* Về cơ cấu tổ chức
So với Quyết định số 1197/QĐ-UBND ngày 06/5/2016, tổ chức của Sở Tư pháp được bổ sung 01 Phòng do chuyển giao Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sang Sở Tư pháp.
Căn cứ Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV, Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND ngày 03/6/2016 đã quy định cụ thể về tên gọi của các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Tư pháp. Theo đó, 04 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở vẫn giữ nguyên, các Phòng chuyên môn nghiệp vụ của Sở Tư pháp bao gồm: Văn phòng Sở; Thanh tra Sở; Phòng Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính; Phòng Kiểm tra văn bản và theo dõi thi hành pháp luật; Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật; Phòng Hành chính tư pháp; Phòng Bổ trợ tư pháp.
Như vậy, Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND ngày 03/6/2016 của Uỷ ban nhân dân đã quy định đầy đủ và cụ thể trách nhiệm, quyền hạn cũng như cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ trên cơ sở kế thừa Quyết định số 1197/QĐ-UBND ngày 06/5/2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh và các văn bản mới ban hành, có hiệu lực, là căn cứ pháp lý cho việc tổ chức thực hiện công tác tư pháp một cách đầy đủ, toàn diện trên địa bàn tỉnh.
Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND ngày 03/6/2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ sẽ có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.
Thanh Uyên