Việc trợ giúp pháp lý (TGPL) nhằm giúp cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý, đặc biệt giúp họ nhận thức và am hiểu được về pháp luật theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Các dịch vụ pháp lý miễn phí để giúp cho người nghèo, đối tượng chính sách... có nhiều cơ hội tiếp cận pháp luật đồng thời góp phần tạo lập thói quen và nếp sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020, hàng năm, Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác truyền thông về TGPL với mục đích hỗ trợ kịp thời, đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu; giải quyết kịp thời những vướng mắc pháp luật ngay từ cơ sở, với nội các dung:
- Lắp đặt bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở UBND các xã nghèo, nhà văn hóa các thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
- Cấp phát miễn phí mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, tờ gấp tuyên truyền pháp luật về trợ giúp pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tại các xã nghèo; các thôn, bản, khu dân cư đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Giám đốc Sở Tư pháp ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình triển khai thực hiện công tác trợ giúp pháp lý với nhiều nhóm nhiệm vụ trọng tâm tạo sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thống nhất trong tổ chức triển khai thực hiện công tác trợ giúp pháp lý, đạt kết quả cụ thể như sau:
Một là, thực hiện vụ việc tham gia tố tụng
Các Trợ giúp viên pháp lý chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng.
Trong giai đoạn từ năm 2014 tới hết năm 2015, tổng số vụ việc tham gia tố tụng là 207 vụ, trong đó: Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn: 103 người; người nghèo 84 người; trẻ em: 05 người; người khuyết tật có khó khăn về tài chính: 01 người; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ: 14 người.
Trong giai đoạn từ năm 2016 tới hết năm 2020, tổng số vụ việc tham gia tố tụng là 1.099 vụ, trong đó: Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn: 811 người; người nghèo 34 người; người bị buộc tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi: 84 người; trẻ em: 47 người; người khuyết tật có khó khăn về tài chính: 34 người; người cao tuổi có khó khăn về tài chính: 4 người; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo: 8 người; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ: 26 người; trường hợp khác: 51 ngời
Hai là, công tác tư vấn
Công tác tư vấn tại trụ sở Trung tâm và Chi nhánh TGPL khu vực Thanh Sơn được duy trì và thực hiện tốt. 100% công dân thuộc đối tượng được TGPL khi có nhu cầu tư vấn được tư vấn theo đúng quy định.
Trong giai đoạn từ năm 2014 tới hết năm 2015, tổng số vụ việc tư vấn: 3.163 vụ việc. Cụ thể: Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn: 542 người; người nghèo: 1328 người; người có công cách mạng: 1036 người; người cao tuổi có khó khăn về tài chính: 10 người; người khuyết tật có khó khăn về tài chính: 77 người; trẻ em: 118 người; nạn nhân của hành vi mua bán người: 01 người; đối tượng khác: 51 người.
Giai đoạn từ năm 2016 tới hết năm 2020, tổng số vụ việc tư vấn: 496 vụ việc. Cụ thể: Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn: 267 người; người nghèo: 52 người; người có công với cách mạng: 114 người; người cao tuổi có khó khăn về tài chính: 07 người; người khuyết tật có khó khăn về tài chính: 17 người; trẻ em: 22 người; đối tượng khác: 17 người.
Thông qua công tác tư vấn trong hoạt động TGPL đã góp phần giảm tải những khiếu kiện từ cơ sở, bảo đảm tốt quyền, lợi ích hợp pháp của các đối tượng được TGPL. 100% vụ việc tư vấn pháp luật của Trung tâm được thực hiện tuân thủ theo đúng các quy định chung về trình tự, thủ tục và lập hồ sơ vụ việc.
Ba là, công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý
Hàng năm, Sở Tư pháp đã phê duyệt Kế hoạch của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Phú Thọ về triển khai thực hiện công tác truyền thông về TGPL theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Phú Thọ phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, UBND các xã nghèo, xã có thôn, bản đặc biệt khó khăn triển khai công tác truyền thông về TGPL ở cơ sở tại 243 xã nghèo có thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn các huyện (từ năm 2014 đến hết năm 2015); năm 2016, tổ chức lưu động tại 25 xã nghèo có thôn, bản đặc biệt khó khăn; từ năm 2017 đến năm 2020 tổ chức truyền thông tại 71 xã nghèo và 481 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đồng thời giới thiệu nhiều chuyên đề pháp luật mà người dân tại địa phương quan tâm, giải đáp các vướng mắc pháp luật cho người dân. Cấp phát hơn 81.000 tờ gấp các loại (từ tháng 6 năm 2014 đến hết năm 2015 cấp phát 69.315 tờ gấp pháp luật; từ năm 2016 đến năm 2020 tổ chức cấp phát 12.300 tờ gấp pháp luật). Năm 2017, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Phú Thọ tổ chức lắp đặt 130 bảng thông tin về TGPL tại trụ sở các xã nghèo, nhà văn hóa thôn bản đặc biệt khó khăn.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã phối hợp với Đài truyền thanh các huyện Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba, Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê xây dựng chuyên mục phát thanh về trợ giúp pháp lý bằng tiếng Việt; phối hợp với Đài truyền hình tỉnh Phú Thọ xây dựng 01 phóng sự về “Trợ giúp pháp lý cho đồng bào miền núi”; nghiên cứu, biên soạn nội dung các tờ gấp pháp luật phục vụ cho công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý. Đến nay, 100% trụ sở UBND các xã nghèo, nhà văn hóa các thôn, bản đặc biệt khó khăn đã được lắp đặt Bảng thông tin về TGPL miễn phí. Nhờ các hoạt động TGPL các đối tượng yếu thế được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật.
BBT