Ngày 03/3/2020, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Thông tư gồm 6 Chương, 25 điều, trong đó, có một số nội dung được quy định chi tiết, cụ thể như: - Thông tư 01/2020/TT-BTP đã quy định cụ thể cách ghi số chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng (tại điều 4) và có các ví dụ minh họa chi tiết. - Tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP cũng như Thông tư 20/2015/TT-BTP chỉ quy định về giá trị pháp lý của bản sao được chứng thực, không quy định việc thu hồi, hủy bỏ văn bản chứng thực không đúng pháp luật đã gây khó khăn cho các cơ quan khi phát hiện chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký không đúng thì thu hồi, hủy bỏ như thế nào... Các nội dung này đã được quy định cụ thể tại Thông tư 01/2020/TT-BTP, theo đó tại Điều 7 quy định về giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản đã được chứng thực không đúng quy định pháp luật. - Nghị định 23/2015/NĐ-CP cũng như Thông tư 20/2015/TT-BTP không quy định rõ ràng, cụ thể về chứng thực giấy ủy quyền, Thông tư 01/2020/TT-BTP đã bổ sung khá cụ thể về chứng thực giấy ủy quyền tại Điều 14 Chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. - Nghị định 23/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đều hướng dẫn khi chứng lý lịch cá nhân là chứng thực chữ ký và không được phê vào nội dung lý lịch. Tuy nhiên, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học đều yêu cầu phải ghi nhận xét về hạnh kiểm, chấp hành pháp luật dẫn đến UBND xã rất lúng túng, nếu ghi vào lý lịch thì không đúng pháp luật, không ghi thì gây khó khăn cho công dân. Thông tư 01/2020/TT-BTP đã tháo gỡ được vướng mắc ở trên (cụ thể tại Điều 14). - Các quy định hiện hành tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP cũng như Thông tư 20/2015/TT-BTP quy định về tiêu chuẩn của người dịch chưa yêu cầu xuất trình bảng điểm hoặc giấy tờ chứng minh ngôn ngữ học của mình mà chỉ yêu cầu tốt nghiệp đại học trở lên và được học bằng thứ tiếng cần dịch. Thông tư 01/2020/TT-BTP đã quy định bổ sung thêm điều kiện đối người dịch tiếng nước ngoài nhưng không có trình độ cử nhân (đại học) ngoại ngữ về thứ tiếng nước ngoài cần dịch. Cụ thể, khoản 1 Điều 16 Thông tư 01/2020/TT-BTP quy định Tiêu chuẩn người dịch và ngôn ngữ phổ biến như sau ....”Trường hợp có bằng đại học trở lên đối với chuyên ngành khác được học bằng thứ tiếng nước ngoài cần dịch thì người dịch cần xuất trình thêm bảng điểm hoặc giấy tờ để chứng minh ngôn ngữ học của mình”. Thông tư 01/2020/TT-BTP có hiệu lực kể từ ngày 20/4/2020 và thay thế Thông tư số 20/2015/TT-BTP ngày 29/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch./. Thanh Uyên