Cụ thể, theo quy định hiện hành thì có 08 hình thức xử lý sau đây:
Một là đình chỉ việc thi hành văn bản.
Đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản có quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo nếu chưa được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế kịp thời và tiếp tục thực hiện thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Hai là bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản.
Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trong các trường hợp sau: Đối tượng điều chỉnh của văn bản không còn; một phần hoặc toàn bộ văn bản được ban hành trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung hoặc có chồng chéo, mâu thuẫn với văn bản là căn cứ để rà soát hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội mà không cần thiết ban hành văn bản để thay thế; văn bản vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành; văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật; văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc có thể thức như văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, người không có thẩm quyền ban hành.
Ba là sửa đổi văn bản.
Khi phát hiện đối tượng điều chỉnh có sự thay đổi so với thời điểm ban hành văn bản làm nội dung điều chỉnh văn bản đó không còn phù hợp với thực tiễn vì vậy, phải tiến hành ban hành văn bản quy phạm pháp luật khác để thay đổi “một phần” nội dung văn bản hiện hành.
Bốn là bổ sung văn bản.
Khi xét thấy văn bản quy phạm trước đó ban hành điều chỉnh thiết sót một số nội dung thì có thể ban hành văn bản quy phạm mới để giữ nguyên văn bản cũ trước đó và thêm những quy phạm mới để bổ sung cho văn bản cũ.
Năm là ban hành văn bản thay thế văn bản cũ.
Trường hợp toàn bộ hoặc phần lớn nội dung của văn bản trái, chồng chéo, mâu thuẫn với văn bản là căn cứ để rà soát hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Sáu là ban hành văn bản mới.
Trường hợp qua rà soát phát hiện có quan hệ xã hội cần được điều chỉnh bởi văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn hoặc có quan hệ xã hội cần điều chỉnh nhưng chưa có quy định pháp luật điều chỉnh.
Bảy là đính chính văn bản.
Đính chính văn bản được thực hiện đối với văn bản có sai sót về căn cứ ban hành, thể thức, kỹ thuật trình bày. Cơ quan, người ban hành văn bản đính chính văn bản bằng văn bản hành chính.
Tám là ngưng hiệu lực một phần hoặc toàn bộ văn bản trong một thời hạn nhất định.
Được áp dụng trong trường hợp rà soát văn bản căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh.
Như vậy, căn cứ quy định trên thì khi kiểm tra phát hiện có văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc văn bản quy phạm pháp luật khác, có nội dung mẫu thuẫn với văn bản căn cứ, thì cơ quan có thẩm quyền sẽ kiến nghị cơ quan ban hành văn bản thực hiện việc kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản. Theo đó, cơ quan ban hành sẽ phải áp dụng các hình thức xử lý trên để điều chỉnh lại cho phù hợp./.
BBT