Ngày 25/5/2020, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chỉ thị đã nêu rõ, thời gia qua tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều nơi gây bức xúc dư luận xã hội, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, đời sống nhân dân, trong đó xuất hiện nhiều hình thức, phương thức lừa đảo liên quan tới lĩnh vực công chứng, chứng thực. Thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị số 21/CT-TTg, Văn bản số 2726/BTP-BTTP ngày 28/7/2020 của Bộ Tư pháp về triển khai Chỉ thị số 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản và chấn chỉnh hoạt động công chứng, thừa phát lại; Văn bản số 2589/VPCQCSĐT ngày 21/7/2020 của Bộ Công an về tăng cường quản lý, tiếp tục chấn chỉnh hoạt động của Văn phòng công chứng, thừa phát lại trên toàn quốc. Ngày 03/8/2020, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 3355/KH-UBND về thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ và giao cho Sở Tư pháp chỉ đạo các Tổ chức hành nghề công chứng quán triệt công chứng viên, người thực hiện công chứng, chứng thực tuân thủ nguyên tắc hành nghề, thực hiện đúng thẩm quyền quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi tiếp tay cho hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.
Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh, ngày 14/8/2020, Sở Tư pháp đã ban hành Văn bản số 459/STP-BT&HCTP triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ và chấn chỉnh hoạt động công chứng với các nội dung cụ thể yêu cầu các Tổ chức hành nghề công chứng thực hiện:
1. Tổ chức phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Văn bản số 2589/VPCQCSĐT ngày 21/7/2020 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về việc tăng cường quản lý, kiểm tra chấn chỉnh hoạt động của các Văn phòng công chứng, thừa phát lại trên toàn quốc.
2. Tuyên truyền rộng rãi phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức” để người dân biết, phát hiện và phòng ngừa. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao hiểu biết, trình độ nghiệp vụ của Công chứng viên để kịp thời phát hiện các loại giấy tờ giả, nghi vấn là giả trong quá trình tiếp nhận hồ sơ thực hiện công chứng.
3. Tổ chức quán triệt tới toàn bộ công chứng viên, người thực hiện công chứng tuân thủ nguyên tắc hành nghề, thực hiện đúng thẩm quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật; chủ động rà soát, phát hiện để kịp thời ngăn chặn hành vi tiếp tay cho hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.
4. Thực hiện tra cứu, cập nhật thường xuyên đầy đủ thông tin hợp đồng, giao dịch ngay sau khi công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng và Hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng theo đúng quy định tại Quyết định số 06/2018/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 của UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quy chế quản lý, cập nhật, khai thác, sử dụng, lưu trữ cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và Quyết định số 06/2019/QĐ-UBND ngày 18/7/2019 của UBND tỉnh Phú Thọ sửa đổi Khoản 1 Điều 10 Quy chế quản lý, cập nhật, khai thác, sử dụng, lưu trữ cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ban hành kèm theo Quyết định số 06/2018/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 của UBND tỉnh./.
Vương Huế