Ba hình thức hành nghề công chứng
Luật công chứng năm 2014 quy định ba hình thức hành nghề công chứng, bao gồm công chứng viên của các Phòng công chứng, công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Văn phòng công chứng; tổ chức hành nghề công chứng đăng ký hành nghề cho công chứng viên của tổ chức mình tại Sở Tư pháp nơi tổ chức đặt trụ sở; Sở Tư pháp cấp Thẻ cho công chứng viên khi thực hiện việc đăng ký hành nghề cho công chứng viên đó để vừa đảm bảo công tác quản lý nhà nước về công chứng, vừa giảm bớt thủ tục hành chính.
Tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình
Không quy định một cách rải rác, chưa đầy đủ về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên như Luật công chứng năm 2006, Luật công chứng năm 2014 dành hẳn một điều quy định về vấn đề này. Xuất phát từ quan điểm đề cao sự cần thiết, vai trò của bảo hiểm cho trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên đối với tính an toàn cho hoạt động của các công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người yêu cầu công chứng và các tổ chức, cá nhân có liên quan, theo đó, tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình thông qua hợp đồng bảo hiểm giữa tổ chức hành nghề công chứng với doanh nghiệp bảo hiểm. Thời điểm mua bảo hiểm được xác định chậm nhất là chín mươi ngày, kể từ ngày Văn phòng công chứng được cấp giấy đăng ký hoạt động hoặc kể từ ngày Phòng công chứng được thành lập và bắt đầu hoạt động. Nguyên tắc duy trì bảo hiểm hoặc nguyên tắc thỏa thuận giữa tổ chức hành nghề công chứng và doanh nghiệp bảo hiểm về các vấn đề có liên quan đến bảo hiểm cũng được Luật công chứng năm 2014 quy định về nguyên tắc.
Bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác
Luật công chứng năm 2014 quy định rõ nét hơn về trách nhiệm của tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động hành nghề của mình, phải bồi thường khi gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng, cá nhân, tổ chức, theo đó, tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng; công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên
Luật công chứng năm 2014 quy định những vấn đề cơ bản nhất của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên. Theo đó, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên là tổ chức tự quản được thành lập ở cấp trung ương và cấp tỉnh để đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các công chứng viên; ban hành quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; tham gia cùng cơ quan nhà nước trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập sự hành nghề công chứng; tham gia ý kiến với cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên, thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng và thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến hoạt động công chứng theo quy định của Chính phủ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thành lập, củng cố, phát triển hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên cả ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trong phạm vi toàn quốc nhằm tăng cường tính tự quản của tổ chức này trong hoạt động công chứng, góp phần chia sẻ trách nhiệm quản lý đối với hoạt động này. Những vấn đề cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức... của Tổ chức công chứng toàn quốc và Hội công chứng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ do Chính phủ quy định.