Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 không chỉ ghi nhận các quyền dân sự mà còn xây dựng cơ chế pháp lý đầy đủ và hiệu quả để góp phần bảo đảm cho các quyền đó được thực thi trong cuộc sống. Trong cơ chế bảo đảm quyền dân sự cần lưu ý tới các biện pháp sau đây:
1. Tòa án không được quyền từ chối giải quyết vụ việc dân sự với lý do không có quy định pháp luật để áp dụng
Khoản 2, Điều 14 BLDS năm 2015 quy định “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng.”. Điều luật này có hai nội dung rất cơ bản, bắt nguồn từ những thay đổi của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người và quyền tư pháp: Thứ nhất, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện “để yêu cầu tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác”; thứ hai, “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.
Quy định này đã bảo vệ triệt để hơn các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân và phù hợp với pháp luật của một số quốc gia tiên tiến trên thế giới. Bởi lẽ chủ trương của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp đã được ghi nhận trong Nghị quyết số 49-NQ/TW với mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hoạt động tư pháp mà trung tâm là hoạt động xét xử phải được tiến hành có hiệu quả, hiệu lực cao. Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm. Vì vậy, việc quy định: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ án dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng là phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp của Đảng về phát triển hệ thống án lệ, trên tinh thần hội đồng xét xử độc lập, sáng tạo, công tâm trong xét xử “thẩm phán làm luật” để lấp những khoảng trống của pháp luật và bảo vệ triệt để quyền lợi của người dân, bảo đảm trật tự xã hội.”.
Tại Điều 45 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về nguyên tắc giải quyết các vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng. Theo đó, thẩm phán áp dụng một nhóm căn cứ pháp lý theo một trật tự ưu tiên do luật định. Trước hết áp dụng tập quán nhưng “không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của BLDS”. Nếu không có tập quán, thẩm phán sẽ áp dụng “tương tự pháp luật”. Nếu không thể áp dụng tập quán và tương tự pháp luật, thẩm phán sẽ áp dụng “nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng”.
2. Vụ việc đã có quyết định hành chính nhưng vẫn có thể đưa ra Tòa án để giải quyết
Tại Điều 14 BLDS năm 2015 quy định “Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án”. Đây là quy định hoàn toàn mới trong BLDS năm 2015. Quy định này thực sự được đánh giá cao. Trên thực tế rất nhiều quyền dân sự không được giải quyết thấu đáo theo thủ tục hành chính, mà cá nhân, tổ chức bế tắc không biết làm thế nào, thì đây là một quy định mang tính mở và tháo được nút thắt khi giải quyết bằng thủ tục hành chính vẫn bị đánh giá là còn nhiều bất cập như hiện nay. Như vậy quy định này của pháp luật dân sự đã trao quyền bảo vệ quyền dân sự bằng con đường tố tụng tại tòa án và xem xét lại quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính; khi giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền dân sự, tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác có quyền hủy bỏ quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó.
3. Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế bởi Quốc hội
Pháp luật Việt Nam quy định chỉ có Quốc hội là cơ quan làm luật duy nhất. Tại khoản 2 Điều 2 BLSD năm 2015, đã khẳng định: “Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”. Như vậy, chỉ duy nhất Quốc hội mới có quyền hạn chế quyền dân sự.
Việc quy định chặt chẽ chỉ Quốc hội mới có quyền hạn chế quyền dân sự, thể hiện sự quan trọng của các quyền dân sự của doanh nghiệp. Giới hạn của quyền nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa các quyền của các doanh nghiệp với nhau, cũng như việc thụ hưởng quyền giữa các doanh nghiệp với nhau. Bản chất của các quy định này là cho phép Nhà nước áp đặt một số điều kiện với việc thực hiện hay hưởng thụ một số quyền nhất định nhằm các mục đích như thúc đẩy phúc lợi chung của cộng đồng, bảo vệ an ninh quốc gia, để bảo đảm an toàn cho cộng đồng, để bảo vệ sức khỏe hay đạo đức, sức khỏe của cộng đồng, và để bảo vệ các quyền, tự do hợp pháp của người khác.
4. Bộ Luật Dân sự năm 2015 đa dạng hóa các phương thức bảo vệ quyền dân sự
4.1. Bộ Luật Dân sự năm 2015 tăng cường cơ chế tự bảo vệ quyền dân sự
Quyền dân sự được tôn trọng và bảo đảm tốt nhất trong điều kiện của nhà nước pháp quyền dân chủ, một chế độ Hiến pháp phù hợp với những nguyên tắc và quy phạm pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, do những điều kiện khách quan và chủ quan mà đối với mỗi quốc gia, điều này cần không ít thời gian để đạt được. Quyền dân sự của doanh nghiệp có thể bị vi phạm thường xuyên khi hệ thống các cơ quan nhà nước có chức năng bảo vệ quyền hoạt động không có hiệu quả. Vì thế, Nhà nước cần thừa nhận hình thức tự vệ của doanh nghiệp: doanh nghiệp có quyền tự bảo vệ mình trước những hành vi trái pháp luật của những chủ thể khác bằng biện pháp hợp pháp.
Theo Điều 11 BLDS năm 2015, khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm, thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan. Với quy định rất chung như thế, người làm luật thừa nhận trên nguyên tắc, quyền tự bảo vệ có thể được thực thi mỗi khi có sự xâm hại đối với quyền dân sự. Trong khi đó, các quyền dân sự bao gồm rất nhiều quyền khác. Như vậy, phạm vi thực hiện quyền tự bảo vệ ở Việt Nam rất rộng và doanh nghiệp cũng thuộc đối tượng mà quyền dân sự bị xâm phạm thì doanh nghiệp đó cũng được tự bảo vệ tùy theo tính chất hành vi vi phạm của hành vi xâm phạm quyền dân sự đó. Chắc chắn doanh nghiệp có quyền dân sự bị xâm phạm không thể dùng quyền tự bảo vệ xâm phạm lên quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân khác mà chỉ được bảo vệ quyền của mình trong giới hạn và không được làm thiệt hại lên quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác.
Trong quan hệ hợp đồng giữa các doanh nghiệp thì quyền tự bảo vệ càng được coi là một cách chế tài đối với bên vi phạm nghĩa vụ vừa ít tốn kém, dễ thực hiện, vừa có hiệu quả. Theo đó quyền huỷ bỏ hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng chính là việc tự bảo vệ trong các trường hợp đặc thù. Trong các hợp đồng cụ thể, quyền tự bảo vệ được ghi nhận thành những hành vi ứng xử thích hợp và không trái luật. Chẳng hạn, khi một doanh nghiệp chậm trễ trong việc giao hàng đúng hẹn cho doanh nghiệp mua hàng, thì doanh nghiệp mua hàng có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng mua hàng hóa đó theo quy định đã ghi nhận trong hợp đồng đã kí giữa hai bên.
Theo Điều 12 BLDS năm 2015, việc tự bảo vệ quyền dân sự phải phù hợp với tính chất, mức độ xâm phạm đến quyền dân sự đó và không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 3 BLDS năm 2015. Thực ra, Điều 3 BLDS chỉ ghi nhận những nguyên tắc rất chung và không phải nguyên tắc nào cũng áp dụng được cho việc thực thi quyền tự bảo vệ.
4.2. Bộ luật Dân sự 2015 bảo đảm quyền của cá nhân, pháp nhân (doanh nghiệp) trong việc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ quyền dân sự cho mình
Việc thiết lập công cụ để bảo vệ quyền dân sự của doanh nghiệp trước hết là việc tạo ra các thiết chế nhà nước có đầy đủ năng lực và điều kiện để thực thi nhiệm vụ được giao. Đây là yếu tố không thể thiếu của hệ thống bảo đảm quyền. Các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền dân sự của doanh nghiệp bao gồm: Tòa án, trọng tài và cơ quan hành chính.
a) Thẩm quyền của Tòa án
Khoản 1 Điều 14 BLDS năm 2015 trao cho tòa án các thẩm quyền: bảo vệ quyền dân sự bằng con đường tố tụng tại tòa án và xem xét lại quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính; khi giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền dân sự, tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác có quyền hủy bỏ quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó (Điều 15 BLDS năm 2015). Thông qua quá trình xét xử, tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp yêu cầu cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời tòa án kết quả xử lý văn bản pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để tòa án giải quyết vụ án (khoản 7 Điều 2 Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014).
b) Thẩm quyền của trọng tài
Thẩm quyền của Trọng tài gồm: tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài (Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010). Phán quyết của trọng tài là chung thẩm. Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại tòa án thì tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, hoặc thỏa thuận trọng tài thông qua việc lựa chọn một tòa án để giải quyết (Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010).
Việc giải quyết các tranh chấp thông qua trọng tài hiện nay vẫn còn chưa cao. Nguyên nhân của tình trạng thiếu vắng này chính là do nhiều doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ về hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Đã có nhiều doanh nghiệp chịu thua thiệt với đối tác vì sự kém hiểu về trọng tài thương mại. Trong nhiều hợp đồng, doanh nghiệp viết là “nếu có tranh chấp thì sẽ nhờ công an giải quyết” hay có trường hợp thỏa thuận về Trọng tài nhưng lại ghi là “nếu không đồng ý với phán quyết của trọng tài thì có thể mở Tòa án giải quyết”. Còn số doanh nghiệp khác thì lựa chọn hình thức Trọng tài nhưng lại ghi không đầy đủ và chính xác tên của tổ chức Trọng tài mà mình định yêu cầu. Xuất phát từ chính những hiểu biết chưa cao của doanh nghiệp trong việc tìm hiểu về cơ quan giải quyết tranh chấp tiện lợi này mà việc lựa chọn Trọng tài là cơ quan giải quyết vẫn chưa thực sự đạt được vai trò quan trọng như mong đợi.
c) Thẩm quyền của cơ quan hành chính
Thứ nhất, cơ quan hành chính phải tôn trọng quyền dân sự doanh nghiệp, nghĩa là kiềm chế sự can thiệp, kể cả trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc hưởng thụ những quyền này của các chủ thể. Đây còn được gọi là dạng thức nghĩa vụ thụ động. Điều này không đòi hỏi các cơ quan hành chính phải chủ động đưa ra sáng kiến, biện pháp hay chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hưởng dụng quyền.
Thứ hai, cơ quan hành chính phải có những giải pháp bảo đảm doanh nghiệp được hưởng thụ đầy đủ quyền dân sự của mình. Đây là một dạng thức nghĩa vụ chủ động, nó luôn đòi hỏi Nhà nước phải cải tiến phương thức nhằm giúp cho doanh nghiệp được hưởng thụ ở mức cao nhất có thể các quyền dân sự. Cụ thể, xác nhận quyền dân sự của doanh nghiệp thông qua quyết định hành chính, hành vi hành chính (gọi chung là thủ tục hành chính). Hoạt động này cung cấp các bảo đảm pháp lý cho các quyền, là cơ sở để doanh nghiệp bảo vệ quyền của mình khi xảy ra tranh chấp, xâm phạm.
Thứ ba, cơ quan hành chính phải ngăn chặn sự vi phạm các quyền dân sự của doanh nghiệp bởi bên thứ ba. Đây cũng là dạng thức của nghĩa vụ chủ động. Để thực hiện trách nhiệm này, cơ quan hành chính phải chủ động đưa ra những biện pháp và xây dựng những cơ chế phòng ngừa, xử lý những vi phạm./.
Đồng Trung Dũng