Ngày 12/11/2014, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 4920/KH-UBND triển khai thi hành Luật Công chứng trên địa bàn tỉnh, giao trách nhiệm cho Sở Tư pháp phối hợp với Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành có liên quan chủ động tổ chức giới thiệu, tuyên truyền những nội dung cơ bản của Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong 5 năm, Luật Công chứng đã được thường xuyên phổ biến, quán triệt, tuyên truyền thông qua nhiều hình thức phù hợp: Tổ chức hội nghị triển khai cho cán bộ chủ chốt của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chứng viên và nhân viên các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh; xây dựng các chuyên mục, chương trình, tin, bài trên Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã, in ấn và phát hành tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền các nội dung liên quan đến công chứng. Hàng năm, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho cán bộ pháp chế sở, ngành, công chức Phòng Tư pháp cấp huyện, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bổ trợ tư pháp, đội ngũ công chứng viên, nhân viên nghiệp vụ làm việc trong các tổ chức hành nghề công chứng; thường xuyên yêu cầu các Tổ chức hành nghề công chứng đăng ký cử Công chứng viên và nhân viên nghiệp vụ tham dự các lớp tập huấn do Học viện Tư pháp tổ chức.
Xác định vai trò quan trọng của hoạt động công chứng trong tình hình hiện nay, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật của địa phương, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn: Quyết định số 42/2016/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 về ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Quyết định số 22/2016/QĐ-UBND ngày 26/7/2016 quy định mức trần thù lao công chứng và chi phí chứng thực trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giúp cho các tổ chức hành nghề công chứng có căn cứ trong việc thống nhất mức thu các khoản thù lao công chứng và chi phí khác trong quá trình hoạt động; Quyết định số 06/2018/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 ban hành Quy chế quản lý, cập nhật, khai thác, sử dụng, lưu trữ cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Đồng thời, năm 2015, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phối hợp với đơn vị cung cấp phần mềm CMC đã thực hiện lắp đặt và triển khai hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa do các tổ chức hành nghề công chứng tự đóng góp phần mềm đã kết nối giữa Sở Tư pháp với các tổ chức hành nghề công chứng, giữa tổ chức hành nghề công chứng với nhau nhằm cung cấp, khai thác thông tin ngăn chặn, hạn chế rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch bảo đảm lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức cũng như lợi ích các tổ chức hành nghề công chứng.
Hiện nay, toàn tỉnh có 28 công chứng viên đăng ký hành nghề tại 14 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 03 công chứng viên làm việc tại 02 Phòng Công chứng và 25 công chứng viên làm việc tại 12 Văn phòng công chứng. Đội ngũ công chứng viên trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển về số lượng và nâng cao về chất lượng, 28/28 công chứng viên có trình độ Đại học và đều là hội viên của Hội Công chứng viên tỉnh, trong quá trình giải quyết công việc luôn tuân thủ quy tắc hành nghề, luôn coi trọng uy tín nghề nghiệp, không làm trái các quy định của pháp luật.
Đối với các tổ chức hành nghề công chứng, trước khi Luật Công chứng năm 2014 có hiệu lực, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 15 tổ chức hành nghề công chứng (02 Phòng Công chứng, 13 Văn phòng công chứng). Sau 5 năm thực hiện Luật Công chứng, tỉnh Phú Thọ có 14 tổ chức hành nghề công chứng (02 Phòng Công chứng và 12 Văn phòng công chứng) chủ yếu tập trung ở địa bàn thành phố Việt Trì và một số huyện có điều kiện phát triển kinh tế. Các tổ chức hành nghề công chứng đều có trụ sở làm việc rộng rãi, thông thoáng, thuận tiện cho người dân, đáp ứng đầy đủ theo quy định về điều kiện trụ sở làm việc đối với một tổ chức hành nghề công chứng. Ngoài ra, các tổ chức hành nghề công chứng đã quan tâm đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cung ứng dịch vụ công chứng,… đã tạo niềm tin, sự hài lòng của người yêu cầu công chứng khi sử dụng dịch vụ.
Để tăng cường công tác giáo dục, hướng dẫn đội ngũ công chứng viên trong thi hành pháp luật và đạo đức nghề nghiệp công chứng; phát huy uy tín của công chứng viên nhằm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, năm 2018, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 2514/QĐ-UBND cho phép thành lập Hội Công chứng viên tỉnh Phú Thọ; năm 2019, tổ chức thành công Đại hội toàn thể Hội Công chứng viên tỉnh Phú Thọ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2019-2022 và năm 2020 ban hành Quyết định về việc phê duyệt Điều lệ Hội Công chứng viên tỉnh Phú Thọ.
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động công chứng được thực hiện thường xuyên, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh tiến hành 22 cuộc thanh tra, kiểm tra các Tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh; xử phạt vi pham hành chính đối với 04 công chứng viên, 17 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối 9 tổ chức hành nghề công chứng với số tiền 150.500.000 đồng.
Trong 5 năm qua, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã thực hiện công chứng: 191.573 hợp đồng, giao dịch, bản dịch; chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao từ bản chính 134.191 bản; tổng số phí các tổ chức hành nghề công chứng thu được trên 36 tỷ đồng; tổng số phí chứng thực các tổ chức hành nghề công chứng thu được 1.300.658.679 đồng; số phí công chứng, chứng thực nộp vào ngân sách nhà nước 4.998.084.616 đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Thể chế về tổ chức, hoạt động công chứng mặc dù đã từng bước hoàn thiện, song vẫn còn nhiều bất cập; các quy định liên quan đến công chứng trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa đồng bộ với Luật công chứng (như thẩm quyền chứng nhận các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở của UBND cấp huyện, cấp xã;...); việc phối hợp giữa chính quyền địa phương, nhất là UBND cấp xã với các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn trong thực hiện các hoạt động công chứng còn hạn chế; cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh được xây dựng, vận hành đi vào nề nếp nhưng chưa được kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu chứng thực tại cấp huyện, cấp xã và hệ thống thông tin đăng ký giao dịch bảo đảm của cơ quan quản lý đất đai dẫn đến khả năng vi phạm pháp luật trong công chứng, chứng thực hợp đồng giao dịch là rất cao.
Trong thời gian tới, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực công chứng, sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL về công chứng. Sớm ban hành văn bản về phát triển nghề công chứng để các địa phương có cơ sở định hướng, quản lý hoạt động công chứng; xây dựng hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực có kết nối với các ngành có liên quan đảm bảo thống nhất thông tin về tài sản giao dịch để các địa phương triển khai áp dụng đồng bộ; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho công chứng viên, nhân viên nghiệp vụ và công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về công chứng;... Để hoạt động công chứng ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020./.
Dịu Huế