1. Người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà cơ quan có thẩm quyền viện dẫn làm căn cứ để ra quyết định tạm giữ đối với họ. Quy định này được hiểu là do yêu cầu của hoạt động phòng, chống tội phạm thì cơ quan chức năng đã thực hiện tạm giữ nghi phạm, nhưng sau đó đã hủy bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Ví dụ: Trường hợp bắt quả tang một số người đang đánh bạc, trong đó có anh A và những người này bị tạm giữ. Sau khi điều tra đã làm rõ sự việc và anh A đến để trả tiền cho một người tham gia đánh bạc đúng lúc bị lực lượng chức năng bắt. Trong trường hợp này đã có thiệt hại thực tế xảy ra đối với anh A, mặc dù người thi hành công vụ không vi phạm pháp luật nhưng Nhà nước có trách nhiệm bồi thường.
Ví dụ: Vì nghi ngờ vi phạm pháp luật hình sự nên X bị công an quận Y tạm giữ tổng cộng là 9 ngày, việc tạm giữ có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát. Sau đó có quyết định của Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định tạm giữ vì X không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này, Viện kiểm sát nơi đã phê duyệt quyết định tạm giữ cuối cùng là cơ quan có trách nhiệm bồi thường cho X.
2. Người bị tạm giam, người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội. Quy định này được hiểu là do yêu cầu của đấu tranh phòng, chống tội phạm, cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành áp dụng các biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, vì các lý do khác nhau mà không đủ căn cứ để khẳng định một người có hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Người bị tạm giam được bồi thường thiệt hại khi có quyết định của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự hủy bỏ quyết định tạm giam, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội vì một trong các lý do:
- Người bị tạm giam không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
Ví dụ: Nguyễn Văn A bị khởi tố bị can và bị tạm giam về tội giết người. Quá trình điều tra đã chứng minh A không thực hiện hành vi giết người. Viện kiểm sát đã quyết định hủy bỏ quyết định tạm giam, Cơ quan Điều tra đã quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can A. Trong trường hợp này, Nguyễn Văn A được bồi thường thiệt hại.
- Người bị tạm giam có thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng hành vi đó không là hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự;
Ví dụ: Nguyễn Văn A bị bắt tạm giam và khởi tố về tội trộm cắp tài sản, sau khi điều tra xác định tài sản A trộm cắp chưa đủ dấu hiệu để cấu thành tội trộm cắp. Hơn nữa, trước đó A chưa bị xử lý vi phạm hành chính lần nào. Do đó, Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định tạm giam, Cơ quan điều tra đã quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can A. Như vậy, trong trường hợp này A sẽ được bồi thường theo Luật TNBTCNN.
- Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
Ví dụ: Nguyễn Văn A bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi hết thời hạn điều tra mà vẫn không chứng minh được A đã thực hiện tội phạm, cơ quan điều tra đã quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với A. Trong trường hợp này, A được bồi thường thiệt hại.
Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã bị thi hành án tử hình được bồi thường thiệt hại khi có bản án, quyết định của Toà án có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi của người đó không cấu thành tội phạm.
3. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù có thời hạn mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội.
Ví dụ: Nguyễn Văn A bị khởi tố nhưng không bị tạm giữ về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra đã chứng minh A không thực hiện tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trường hợp này A được bồi thường.
Ví dụ: Nguyễn Văn B có quyết định xét xử nhưng cho tại ngoại sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định B không thực hiện hành vi phạm tội thì B sẽ được bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (trừ các trường hợp được quy định tại Điều 27 Luật TNBTCNN).
d) Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án, đã chấp hành hình phạt tù mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành.
Ví dụ: Nguyễn Văn C bị xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án, đã chấp hành hình phạt tù mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định C không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì C sẽ được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà C phải chấp hành (trừ các trường hợp được quy định tại Điều 27 Luật TNBTCNN).
Ví dụ: Nguyễn Văn C bị xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án, đã chấp hành hình phạt tù mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định C không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại nhiều hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì C không được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật TNBTCNN.
e) Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án và bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm tội bị kết án tử hình và tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam vượt quá so với mức hình phạt chung của những tội mà người đó phải chấp hành.
Ví dụ: Nguyễn Văn D bị xét xử bằng nhiều bản án, Toà án đã tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đó và bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định D không phạm một hoặc một số tội thì D được bồi thường theo Luật TNBTCNN trong trường hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian D đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù và thiệt hại được bồi thường tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành (trừ các trường hợp theo quy định tại Điều 27 Luật TNBTCNN). D không được bồi thường trong trường hợp hình phạt của những tội còn lại nhiều hơn thời gian D đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù.
f) Người bị xét xử bằng nhiều bản án, Toà án đã tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đó, mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành.
Ví dụ: Nguyễn Văn E bị xét xử bằng nhiều bản án, Toà án đã tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đó, mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định E không phạm một hoặc một số tội thì E sẽ được bồi thường trong trường hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian E đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù, việc bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà E phải chấp hành.
E sẽ không được bồi thường theo Luật TNBTCNN với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù về những tội mà E đã phải chấp hành trong trường hợp hình phạt của những tội còn lại nhiều hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù đã chấp hành.
g) Tổ chức, cá nhân có tài sản bị thiệt hại do việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, xử lý có liên quan đến các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 26 Luật TNBTCNN thì được bồi thường.
Đây là một điểm mới so với Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người bị thiệt hại mà những người này không phải là người trực tiếp bị thiệt hại bởi bản án, quyết định tố tụng hình sự của các cơ quan có thẩm quyền.
Ví dụ: Nguyễn Văn G bị bắt và khởi tố vì tội cướp giật. Chiếc xe máy mà G đang dùng là mượn của Nguyễn Văn H bị cơ quan chức năng tịch thu vì cho rằng đó là tang vật của vụ án. Tuy nhiên, sau khi điều tra thì có quyết định của cơ quan điều tra khẳng định G không phạm tội cướp giật. Trong trường hợp này G sẽ được bồi thường và chiếc xe máy mà G sử dụng cũng được bồi thường nhưng là bồi thường cho H.
Các trường hợp không được bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự
Trong hoạt động tố tụng hình sự có một điểm đặc thù khi giải quyết bồi thường đó là các trường hợp không được bồi thường thiệt hại được quy định cụ thể tại Điều 27 Luật TNBTCNN. Theo đó, người bị thiệt hại mặc dù thuộc một trong các trường hợp thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự được quy định tại Điều 26 Luật TNBTCNN nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 27 thì không được bồi thường. Các trường hợp đó là:
1. Người được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Hình sự thì miễn trách nhiệm hình sự là việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho người phạm tội “nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Miễn trách nhiệm hình sự còn được áp dụng đối với “trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm” hoặc “khi có quyết định đại xá”. Như vậy, người được miễn trách nhiệm hình sự là người có hành vi phạm tội nhưng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp nhất định chứ không phải người không phạm tội. Cụ thể, theo hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 05/2012 thì người được miễn trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật TNBTCNN là người được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 19, Điều 25, khoản 2 Điều 69, khoản 3 Điều 80, khoản 6 Điều 289, khoản 6 Điều 290, khoản 3 Điều 314 Bộ luật Hình sự. Việc miễn trách nhiệm hình sự có thể do cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án áp dụng tùy theo từng giai đoạn của vụ án. Vì vậy, Luật TNBTCNN đã quy định người được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật thì sẽ không được bồi thường để bảo đảm tính thống nhất trong các quy định của các lĩnh vực pháp luật.
2. Cố ý khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng khác sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm do người khác thực hiện.
Điều này được hiểu là một người bị tạm giữ mà sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, sau khi điều tra thì cơ quan có thẩm quyền xác định người bị tạm giữ đã cố ý khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng khác sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm do người khác thực hiện. Trong trường hợp đó mặc dù người bị tạm giữ bị tạm giữ trái pháp luật nhưng do họ cố tình làm sai, hoặc đánh lạc hướng điều tra dẫn đến việc họ bị tạm giữ thì mặc dù sau khi có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc hủy bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì người đó cũng không được bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN.
3. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án hoặc Toà án quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, đã bị tạm giữ, bị tạm giam, đã chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội nhưng không thuộc các trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 26 của Luật TNBTCNN.
4. Người bị khởi tố, truy tố trong vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng vụ án đã được đình chỉ do người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố, trừ trường hợp hành vi vi phạm pháp luật của họ chưa cấu thành tội phạm.
Ví dụ: Nguyễn Văn D bị khởi tố trong một vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại. Tuy nhiên, trước ngày mở phiên tòa xét xử thì người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố. Vì cho rằng mình không có tội lại bị khởi tố nên D đã có đơn yêu cầu bồi thường. Vậy, D có được bồi thường theo Luật TNBTCNN hay không?
Trong trường hợp này cần xác định D có rơi vào trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hay không? Theo điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự thì “Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật Hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ. Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án. Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.” Như vậy, nếu D bị khởi tố về các tội phạm được quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự là đúng người đúng tội thì D rơi vào trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại và theo khoản 4 Điều 27 Luật TNBTCNN quy định các trường hợp không được bồi thường: “Người bị khởi tố, truy tố trong vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng vụ án đã được đình chỉ do người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố, trừ trường hợp hành vi vi phạm pháp luật của họ chưa cấu thành tội phạm ”. Như vậy, trong trường hợp này D không được bồi thường theo Luật TNBTCNN.
Đối với trường hợp D bị khởi tố theo yêu cầu của người bị hại như quy định của Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự mà hành vi vi phạm pháp luật của D chưa cấu thành tội phạm thì D vẫn được bồi thường theo khoản 4 Điều 26 Luật TNBTCNN.
5. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử là đúng với các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm khởi tố, truy tố, xét xử nhưng tại thời điểm ra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà theo các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực sau ngày khởi tố, truy tố, xét xử đó họ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: Nguyễn Văn E bị xét xử khởi tố, truy tố về tội xâm phạm quyền tác giả vào ngày 20/12/2009 là đúng với Bộ luật Hình sự năm 1999 và các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm xét xử khởi tố, truy tố nhưng ngày05/01/2010 là ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà theo Bộ luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung năm2009 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 thì E không phải chịu trách nhiệm hình sự về các hành vi xâm phạm quyền tác giả mà E đã làm. Trong trường hợp này, mặc dù E không phải chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự mới nhưng E cũng không được bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN.
6. Trường hợp người bị khởi tố đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Bộ luật Hình sự, nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự mà bị áp dụng các biện pháp tư pháp theo quy định tại Điều 43 hoặc Điều 70 Bộ luật Hình sự vì lý do họ không có năng lực trách nhiệm hình sự (bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự) hoặc do họ chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự (theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự).
Trúc Mai