Thực hiện Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong năm vừa qua, nhờ các điều kiện đảm bảo thi hành pháp luật về đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất được tăng cường, chú trọng, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đạt được một số kết quả tích cực, dần đi vào nề nếp; các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức đấu giá tài sản về cơ bản đã phối hợp, tuân thủ các quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất.
Năm 2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND ngày 06/5/2021 sửa đổi Điều 14 quy định về đấu giá tài sản quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ban hành kèm theo Quyết định số 02/2019/QĐ-UBND ngày 27/02/2019 ban hành quy định đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và nhiều văn bản tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản. Đồng thời, Sở Tư pháp đã chủ động ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn các quy định pháp luật về đấu giá tài sản, văn bản chỉ đạo các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện đúng quy định của pháp luật của pháp luật về đấu giá tài sản trong quá trình hành nghề.
Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia đấu giá đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản của các cơ quan, đơn vị, địa phương có tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất được thực hiện nghiêm túc. Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh và UBND các huyện, thành, thị đã tăng cường công tác quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đấu giá tài sản và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Đặc biệt, trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định tại Quyết định số 02/2019/QĐ-UBND ngày 27/02/2019 ban hành quy định đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND ngày 05/9/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ban hành kèm theo Quyết định số 02/2019/QĐ-UBND ngày 27/02/2019 ban hành quy định đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND ngày 06/5/2021 sửa đổi Điều 14 quy định về đấu giá tài sản quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ban hành kèm theo Quyết định số 02/2019/QĐ-UBND ngày 27/02/2019 ban hành quy định đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Đối với công tác lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản: Với vai trò là đơn vị có tài sản, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh và UBND các huyện, thành, thị đã thực hiện đảm bảo trình tự, tiêu chí theo quy định tại Khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản, không đặt thêm yêu cầu không có cơ sở, không cần thiết đối với đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản.
Đối với công tác giám sát việc thực hiện việc đăng thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản: Thực hiện quy định tại Điều 57 Luật Đấu giá tài sản, Sở Tư pháp đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc đăng thông báo công khai việc đấu giá tài sản trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản; chủ động theo dõi, giám sát việc thực hiện đăng thông báo công khai về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản và tổ chức cuộc đấu giá tài sản; có văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh khi phát hiện sai phạm về thời gian đăng thông báo công khai trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản.
Đối với công tác tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng đất: Về cơ bản, các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có tài sản thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, tuân thủ chặt chẽ về quy trình, thủ tục tổ chức đấu giá tài sản, thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tại các văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh việc thực hiện quy định của pháp luật về đấu giá tài sản. Hằng năm, Sở Tư pháp đều xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh. Đối với các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất, năm vừa qua, Sở Tư pháp đã tham gia đoàn thanh tra liên ngành về công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại thị xã Phú Thọ. Qua thanh tra, đã phát hiện 01 tổ chức đấu giá tài sản chưa tuân thủ quy trình đấu giá tài sản trong quá trình đấu giá. Kết quả, Thanh tra Sở Tư pháp đã ban hành 02 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi“Niêm yết hoặc thông báo công khai đấu giá không đúng quy định” và “Bán hoặc tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá không đúng quy định” với tổng mức phạt tiền là 40.000.000 đồng.
Theo số liệu thống kê năm 2021 của các tổ chức đấu giá trên địa bàn tỉnh, tuy chịu ảnh hưởng do đại dịch Covid -19, nhưng số lượng vụ việc vẫn tăng đáng kể, đặc biệt là số lượng của các cuộc đấu giá thành, đấu giá quyền sử dụng đất, góp phần tăng thu rất lớn cho ngân sách nhà nước ở các địa phương trong tỉnh.
Theo đó, từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/12/2021, các tổ chức hành nghề đấu giá đã thực hiện 413 cuộc, đã đấu giá thành 343 cuộc. Giá trị tài sản chênh lệch so với giá khởi điểm 829.456.897.000 đồng, tăng 38,56% so với cùng kỳ. Trong đó, có 126 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất, với tổng giá khởi điểm là 2.028.245.789.000 đồng, giá bán là 2.819.060.082.000 đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm là 790.815.293.000 đồng. Tỷ lệ tăng trung bình là 38,99%. Nhìn chung, tỷ lệ mức trúng đấu giá có xu hướng tăng do ảnh hưởng tác động của thị trường bất động sản trên toàn quốc (Theo báo cáo của UBND huyện Yên Lập, trong năm 2021, UBND huyện giao cho Hội đồng xử lý đấu giá quyền sử dụng đất ủy quyền cho các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp thực hiện 06 cuộc đấu giá, với tổng số 163 ô đất, trong đó số ô đất đấu giá thành là 144 ô, số tiền thu được theo giá khởi điểm là 81.750.000.000 đồng, số tiền thu được theo giá trúng là 103.990.000.000 đồng. Tỷ lệ giá trúng đấu giá so với giá khởi điểm tăng 127% (không có ô đất trúng đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm); Báo cáo của UBND thị xã Phú Thọ: Trong năm 2021, UBND thị xã Phú Thọ đã tổ chức đấu giá thành 14 phiên đấu giá, với tổng số 401 ô đất, giá khởi điểm 340.450.000.000 đồng, số tiền trúng đấu giá là 438.160.000.000 đồng, tăng 97.100.000.000 đồng (28,7%) so với giá khởi điểm; Báo cáo của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản trực thuộc Sở Tư pháp, năm 2021 thực hiện 51 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất, với tổng giá khởi điểm là 951.337.539.000 đồng; giá trúng đấu giá 1.188.020.709.000 đồng, mức chênh lệch là 236.683.170.000 đồng, tỷ lệ giá trúng so với giá khởi điểm là 124,8%).
Trên địa bàn một số huyện xuất hiện tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá. Tuy nhiên, theo báo cáo của các đơn vị có tài sản và các tổ chức đấu giá tài sản, không có trường hợp nào có kết quả trúng đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn còn khó khăn, hạn chế trong công tác thi hành pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, như:
Việc ban hành, triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất tại một số cơ quan, đơn vị còn chưa hiệu quả. Số lượng các dự án đấu giá đất nhiều, tỷ lệ thực hiện kế hoạch sử dụng đất còn thấp, người tham gia đấu giá mang tính đầu cơ đất đai, đa số giới đầu tư là từ địa phương khác đến tham gia đấu giá;
Một số cuộc đấu giá quyền sử dụng đất có dấu hiệu trao đổi của những người tham gia đấu giá chưa được giải quyết triệt để dẫn đến giá trị tài sản đấu giá vẫn bị đẩy lên cao so với giá trị thực tế, người có nhu cầu thực sự thì không mua được, người không có nhu cầu thì trúng đấu giá, sau đó bỏ cọc hoặc kéo dài thời gian nộp tiền trúng đấu giá gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đấu giá, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của tổ chức và cá nhân;
Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được tổ chức thực hiện thường xuyên, việc xử lý vi phạm chưa mang tính răn đe cao, công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa thực sự chặt chẽ./.
Ngọc Hà