Năm 2022, việc cải thiện môi trường kinh doanh, năng cao năng lực cạnh tranh là một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ. Thực hiện nhiệm vụ “Cải thiện Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật thuộc Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo (GII)” được Chính phủ giao tại Phụ lục IV Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, trong 6 tháng đầu năm 2022 tỉnh Phú Thọ đã đạt được một số kết quả như sau:
Trong 06 tháng đầu năm, các Nghị quyết do HĐND tỉnh Phú Thọ ban hành đều thuộc loại quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên, chính sách, biện pháp nhằm đảm bảo thi hành Hiến pháp, Luật, văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương. Trong kỳ báo cáo, Thường trực HĐND tỉnh đã xem xét, chấp thuận 07 Tờ trình của UBND tỉnh đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Đối với việc đề nghị xây dựng Quyết định của UBND tỉnh: Trong 6 tháng đầu năm 2022, các cơ quan chuyên môn đã trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định 17 Tờ trình đề nghị xây dựng Quyết định của UBND tỉnh.
Tính đến ngày 25/5/2022, UBND tỉnh đã ban hành 17 Quyết định QPPL. Cấp huyện và cấp xã không ban hành văn bản QPPL. 100% văn bản QPPL của tỉnh ban hành trong 6 tháng đầu năm 2022 đều có báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp. Nội dung thẩm định tập trung vào đối tượng, phạm vi điều chỉnh, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với các quy định giao trong văn bản giao quy định chi tiết; về ngôn ngữ và kỹ thuật xây dựng văn bản. Hầu hết các ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp đều được các cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu hoặc giải trình.
Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 17 Quyết định của UBND tỉnh (đạt tỷ lệ 100%). Tiến hành kiểm tra công tác văn bản tại UBND huyện Thanh Ba và 02 đơn vị cấp xã thuộc huyện (xã Vân Lĩnh, thị trấn Thanh Ba). Qua hoạt động tự kiểm tra, kiểm tra cho thấy các văn bản đã ban hành đều đúng thẩm quyền, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, cơ bản đúng quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày. Trong 6 tháng đầu năm 2022; HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã không ban hành văn bản QPPL, do đó không có văn bản QPPL tự kiểm tra, kiểm tra theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện đã rà soát định kỳ và công bố Danh mục văn bản QPPL của HĐND, UBND hết hiệu lực toàn bộ và một phần năm 2021, niêm yết công khai theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL, cụ thể: Cấp tỉnh: 65 văn bản QPPL hết hiệu lực toàn bộ (26 Nghị quyết, 39 Quyết định); 09 văn bản QPPL hết hiệu lực một phần (02 Nghị quyết, 07 Quyết định); Cấp huyện: 17 văn bản QPPL hết hiệu lực toàn bộ (10 Nghị quyết, 07 Quyết định).
Trên cơ sở kết quả rà soát của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị, UBND tỉnh ban hành báo cáo rà soát văn bản triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; chỉ đạo Sở Tư pháp báo cáo Bộ Tư pháp kết quả rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật liên quan đến việc nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, trọng tâm là nguồn nhân lực trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật 6 tháng đầu năm 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số cơ quan chủ trì soạn thảo chưa chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trình xây dựng nghị quyết hoặc quyết định; thời gian lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo văn bản chưa đảm bảo theo quy định; việc tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản của một số ngành, đơn vị chưa tích cực; thời gian gửi dự thảo Nghị quyết để các Ban của HĐND tỉnh thẩm tra chưa đảm bảo; Việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật của một số Sở, ngành còn chậm, thiếu chủ động, hiệu quả không cao.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ các nguyên nhân: Các quy định của pháp luật trong một số lĩnh vực còn chưa đồng bộ, thống nhất hoặc có bất cập; nhiều Nghị định, Thông tư quy định chi tiết do các Bộ, ngành ban hành hoặc tham mưu ban hành chậm dẫn đến thiếu cơ sở, khung pháp lý cho việc ban hành văn bản quy định chi tiết của địa phương. Cùng một lĩnh vực nhưng có nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn nên việc áp dụng văn bản trên thực tế gặp nhiều khó khăn; Đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật của tỉnh đã được quan tâm bố trí, song còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng. Kinh phí dành cho công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL còn hạn chế.
Từ những kết quả đã đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế, nhằm cải thiện chỉ số thực hiện các quy định của pháp luật trong thời gian tới, đề nghị Bộ Tư pháp:
Phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Quốc Hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và quy định về phân cấp, ủy quyền theo hướng đảm bảo thống nhất giữa Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật chuyên ngành nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành pháp luật.
Tham mưu Chính phủ chỉ đạo Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo nghị định của Chính phủ thực hiện việc thông báo bằng văn bản cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về các nội dung nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết; chỉ đạo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành thông tư thông báo bằng văn bản cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về các nội dung thông tư giao Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết theo đúng thời hạn quy định tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Thường xuyên tổ chức tập huấn công tác xây dựng pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, công tác pháp chế ở địa phương./.
Việt Anh