Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng, Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp và các phòng, đơn vị có liên quan.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ có đồng chí Đào Minh Hải - Phó Giám đốc Sở Tư pháp; đại diện lãnh đạo Phòng Tư pháp một số huyện, thành, thị; công chức Tư pháp - Hộ tịch một số xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị, ông Phạm Đức Dụ, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin đã báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm hình đến năm 2030” (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022). Theo đó, ngay sau khi Quyết định số 06/QĐ-TTg được ban hành, Bộ Tư pháp đã khẩn trương xây dựng và ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác của Bộ (do Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc làm Tổ trưởng), đồng thời ban hành Kế hoạch hành động triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg, các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành Tư pháp được giao trong Quyết định. Với nhận thức và quyết tâm cao, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tư pháp đã triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, bám sát chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ trong triển khai các nhiệm vụ; thường xuyên rà soát, có điều chỉnh linh hoạt với tình hình thực tiễn; Bộ cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao của Đề án.
Bên cạnh đó, Tổ công tác triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Bộ đã đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thuộc Bộ triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 theo đúng lộ trình, trong đó: Bộ Tư pháp đã hoàn thành việc xây dựng hướng dẫn các Bộ, ngành, tỉnh/thành phố rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát; hoàn thành việc tái cấu trúc quy trình đối với các dịch vụ ưu tiên;việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia tăng 95% so với cuối năm 2021; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương cung cấp các dịch vụ công trực tuyến: Khai sinh; cấp phiếu lý lịch tư pháp hoàn thành, đảm bảo tiến độ;....
Báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế như: Hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ chưa đáp ứng yêu cầu để triển khai đầy đủ các nghiệp vụ hộ tịch, dẫn đến nhiều khi quá tải (cả tốc độ xử lý và lưu trữ), Hệ thống bị chậm hoặc treo không sử dụng được; Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện mới chỉ dừng ở mức: Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử cung cấp thông tin về khai sinh cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cung cấp số định danh cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; Một số địa phương chưa quyết liệt, quan tâm đúng mức đến triển khai các nhiệm vụ của Ngành Tư pháp tại Quyết định số 06/QĐ-TTg.... từ đó đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp khắc phục, triển khai trong 6 tháng cuối năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã biểu dương, ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của các đơn vị thuộc Bộ; Sở Tư pháp đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao đúng tiến độ. Để triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 06/QĐ-TTg trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Tổ công tác tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm cụ thể theo từng đơn vị.
Đối với Cục Công nghệ thông tin, đơn vị thường trực Tổ công tác, cần theo dõi, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao theo tiến độ, lộ trình Đề án. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị đôn đốc địa phương cung cấp các dịch vụ công thiết yếu; liên thông, khai thác hiệu quả giữa hệ thống một cửa với cơ sở dữ liệu chuyên ngành: Hộ tịch; Lý lịch tư pháp. Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống nói chung và các Hệ thống kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư nói riêng
Đối với các Sở Tư pháp: Tiếp tục phát huy vai trò của Sở Tư pháp trong việc tham mưu UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06/CP thuộc chức năng của Ngành Tư pháp, kịp thời triển khai đúng các quy định pháp luật. Tích cực, chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để đảm bảo việc kết nối liên thông hiệu quả giữa các Hệ thống thông tin chuyên ngành của Bộ Tư pháp với Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa của địa phương; rà soát, bảo đảm việc cung cấp các dịch vụ công thiết yếu như khai sinh, khai tử, kết hôn; cấp phiếu lý lịch tư pháp; từng bước mở rộng liên thông dữ liệu đăng ký hộ tịch giữa Hệ thống một cửa và Cơ sở dữ liệu Hộ tịch điện tử…/.
Ngọc Bích