A. KIẾN THỨC PHÁP LUẬT
I. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CHUNG
1. Nguyên tắc cơ bản trong quan hệ dân sự
Hệ thống các nguyên tắc cơ bản của các quan hệ dân sự có nhiệm vụ định hướng cho các chủ thể trong việc xác lập và thực hiện các quan hệ dân sự. Theo Điều 3 BLDS 2015, có 05 nguyên tắc cơ bản như sau:
- Thứ nhất, mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản. Các chủ thể hoàn toàn bình đẳng với nhau về địa vị pháp lý khi tham gia quan hệ dân sự, không phụ thuộc sự khác biệt về dân tộc, giới tính, thành phần tôn giáo, trình độ văn hóa, hoàn cảnh kinh tế…
- Thứ hai, cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Trong quan hệ dân sự, các chủ thể phải hoàn toàn tự nguyện, không có sự áp đặt ý chí. Khi thực hiện thỏa thuận, ý chí và yếu tố cam kết tự nguyện đối với các chủ thể luôn được tôn trọng, bảo đảm thực hiện trừ khi những thỏa thuận này vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.
- Thứ ba, cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực. Lợi ích của các chủ thể chỉ hài hòa khi mỗi bên đều thể hiện tinh thần tích cực, trách nhiệm và uy tín trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Biểu hiện của sự tích cực, trách nhiệm và uy tín chính là cách xử sự thiện chí, trung thực, tạo điều kiện cho các bên trong khi xác lập, thực hiện quan hệ dân sự.
- Thứ tư, việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Để cụ thể hóa nguyên tắc này, Điều 10 BLDS 2015 quy định cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật. Trường hợp cá nhân, pháp nhân không tuân thủ quy định trên thì Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác căn cứ vào tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà có thể không bảo vệ một phần hoặc toàn bộ quyền của họ, buộc bồi thường nếu gây thiệt hại và có thể áp dụng chế tài khác do luật quy định.
- Thứ năm, cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự. Việc thực hiện nghĩa vụ của mỗi chủ thể phụ thuộc vào nội dung đã được thỏa thuận, theo cam kết đơn phương trước đó hoặc theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ dân sự, vì những lí do khác nhau chủ thể có nghĩa vụ không thể hoàn thành nghĩa vụ đúng cam kết, điều này sẽ dẫn tới một hệ quả pháp lý bất lợi cho chính chủ thể vi phạm. Theo đó, bên vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ sẽ phải tự gánh chịu những bất lợi pháp lý dành cho mình, được gọi là trách nhiệm dân sự.
2. Cá nhân
2.1. Năng lực pháp luật dân sự
Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết. Về nguyên tắc, mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2.2. Năng lực hành vi dân sự
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân được xác định theo các mức độ khác nhau căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của cá nhân đó.
Theo đó, người thành niên (người từ đủ mười tám tuổi trở lên) có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Những người này được quyền tự mình thực hiện các giao dịch dân sự và tự mình gánh chịu các nghĩa vụ dân sự.
Người chưa thành niên (người chưa đủ mười tám tuổi) có các mức độ năng lực hành vi dân sự khác nhau như sau:
Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Người mất năng lực hành vi dân sự là người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi, theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự, theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Người hạn chế năng lực hành vi dân sự là người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình, theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện. Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố cá nhân mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
2.3. Quyền nhân thân
Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý theo quy định của Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan hoặc theo quyết định của Tòa án.
Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó; trường hợp không có những người này thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, trừ trường hợp Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan quy định khác.
Quyền nhân thân của cá nhân là các quyền như quyền đối với họ, tên; quyền thay đổi họ; quyền thay đổi tên; quyền xác định, xác định lại dân tộc; quyền được khai sinh, khai tử; quyền đối với quốc tịch; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; quyền xác định lại giới tính; chuyển đổi giới tính; quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình… Ngoài quy định trong BLDS 2015, quyền nhân thân còn được quy định trong các luật khác.
2.4. Nơi cư trú
Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống.
Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.
Nơi cư trú của người được giám hộ là nơi cư trú của người giám hộ. Người được giám hộ có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của người giám hộ nếu được người giám hộ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.
Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống. Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau nếu có thỏa thuận.
Nơi cư trú của quân nhân đang thực hiện nghĩa vụ quân sự là nơi đơn vị của quân nhân đó đóng quân. Nơi cư trú của sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng là nơi đơn vị của người đó đóng quân, trừ trường hợp họ có nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống.
Người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền, phương tiện hành nghề lưu động khác chưa có nơi cư trú của cá nhân thì nơi cư trú của họ là nơi đăng ký tàu, thuyền, phương tiện nơi họ hành nghề lưu động đó.
2.5. Giám hộ
Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được lựa chọn làm người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của BLDS 2015[1] (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).
Để chế độ giám hộ cho người chưa thành niên, người đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi linh hoạt, khả thi hơn và để thực hiện, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích của người được giám hộ, pháp luật quy định như sau:
- Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền lựa chọn người giám hộ cho mình khi họ ở tình trạng cần được giám hộ;
- Việc cử, chỉ định người giám hộ cho người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi
Xin xem tiếp trong văn bản đính kèm./.