Ngày 02/02/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 132/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam ( gọi tắt là Đề án) nhằm xây dựng Hiệp hội công chứng viên Việt Nam là đầu mối thống nhất về hoạt động tự quản nghề nghiệp của các công chứng viên; tạo cơ sở pháp lý để Tổ chức xã hội - nghề nghiệp toàn quốc của các công chứng viên tham gia, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc phát triển nghề công chứng, quản lý tổ chức, hoạt động công chứng trong điều kiện tiếp tục thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng, bảo đảm nghề công chứng phát triển ổn định và bền vững; đại diện cho các công chứng viên, Hội công chứng viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức hành nghề công chứng trên phạm vi cả nước trong hợp tác quốc tế về công chứng theo quy định; thông tin, trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ trong hành nghề công chứng giữa Việt Nam với các nước trên thế giới nhằm học hỏi kinh nghiệm, quảng bá hình ảnh, vai trò của công chứng Việt Nam với bạn bè trong khu vực và quốc tế.
Tại Đề án này đã quy định rõ địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn, hội viên, trụ sở của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, cụ thể:
Về địa vị pháp lý: Hiệp hội công chứng viên Việt Nam là Tổ chức xã hội - nghề nghiệp toàn quốc của các công chứng viên Việt Nam, đại diện cho các công chứng viên, Hội công chứng viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự quản, công khai, minh bạch, phi lợi nhuận, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động phù hợp với quy định của Luật công chứng và Nghị định số 29/2015/NĐ-CP.
Về nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 30 của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP.
Về Hội viên của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam bao gồm: Các công chứng viên, Hội công chứng viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Hội viên có quyền và nghĩa vụ do Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam quy định.
Trụ sở của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam đặt tại thành phố Hà Nội và do Điều lệ của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam quy định.
Đề án còn quy định việc hoạt động của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.Trong giai đoạn đầu mới thành lập, để kiện toàn tổ chức, giúp Hiệp hội thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ Hiệp hội trong việc đôn đốc thành lập Hội đối với các địa phương chưa thành lập Hội công chứng viên; tiếp tục hỗ trợ Hiệp hội thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng và sẽ bàn giao lại khi Hiệp hội có đủ khả năng để tự đảm đương;
Kinh phí hoạt động của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam sau khi thành lập được bảo đảm bằng nguồn thu từ phí hội viên, các khoản đóng góp của hội viên và nguồn thu hợp pháp khác của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam.
Về tổ chức thực hiện, Đề án đã nêu rõ trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện: Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh.
BBT