Ngày 11/11/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 257/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng, phí chứng thực; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động Văn phòng công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên. Thông tư trên có hiệu lực thi hành kể từ 01/01/2017.
1.Theo quy định tại Thông tư số 257/2016/TT-BTC, Kể từ ngày 01/01/2017, tổ chức, cá nhân khi yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản nộp phí theo quy định tương ứng từ Khoản 1 đến Khoản 8 Điều 4 của Thông tư số 257/2016/TT-BTC.
2. Kể từ ngày 01/01/2017 các tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ:
- Đăng ký tham dự kiểm tra kết quả hành nghề công
- Đề nghị bổ nhiệm lại công chứng viên
- Đề nghị cấp giấy đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng, cấp lại Giấy đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng
- Đề nghị cấp mới và cấp lại thẻ công chứng viên
Các thủ tục trên nộp phí theo quy định tại Khoản 9 Điều 4 của Thông tư số 257/2016/TT-BTC.
3. Về phí công chứng các hợp đồng, giao dịch.
Tăng mức phí công chứng các hợp đồng, giao dịch có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên, trừ các hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, thuê nhà ở, thuê, thuê lại tài sản, mua bán tài sản bán đấu giá cụ thể:
- Tăng mức phí từ 5,2 triệu đồng + 0,03% của phần giá trị vượt quá 10 tỷ đồng lên 32,2 triệu đồng + 0,02% của phần giá trị vượt quá 100 tỷ đồng.
- Tăng giới hạn mức thu tối đa từ 10 triệu đồng/trường hợp lên 70 triệu đồng/ trường hợp.
- Thông tư quy định riêng mức phí công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá với mức phí là 100 nghìn đồng, 300 nghìn đồng, 500 nghìn đồng trên trường hợp tùy theo giá trị tài sản.
4. Việc thu, nộp phí công chứng tại Cục Bổ trợ Tư pháp, sở Tư pháp, Phòng công chứng, Văn phòng công chứng.
- Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền thu được vào ngân sách nhà nước trừ trường hợp dưới đây: Nguồn thu chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.
- Trường hợp khoán chi phí hoạt động theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước thì thực hiện quản lý, sử dụng tiền phí như sau:
+ Đối với Cục Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp được để lại 90% số tiền phí thu được để trang trải chi cho các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ -CP, nộp 10% số tiền phí thu được còn lại vào ngân sách nhà nước.
+ Đối với Phòng công chứng
- Phòng công chứng tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thì được trích 75% số tiền phí thu được để trang trải chi phí như của Cục Bổ trợ tư pháp và Sở Tư pháp, 25% số tiền phí thu được còn lại nộp vào ngân sách nhà nước.
- Phòng công chứng tự đảm bảo một phần chi thường xuyên thì được trích 60% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung như của Cục Bổ trợ tư pháp và Sở Tư pháp, 40% số tiền phí thu được còn lại nộp vào ngân sách nhà nước.
- Phòng công chứng do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì được trích 50% số tiền phí thu được để trang trải chi phí; 50% số tiền phí thu được còn lại nộp vào ngân sách nhà nước.
+ Đối với Văn phòng công chứng:
Tiền phí thu được là doanh thu của Văn phòng công chứng. Văn phòng công chứng được giữ lại 100% số tiền phí thu được để trang trải cho việc thu phí và phải khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Văn phòng công chứng thực hiện lập và giao hóa đơn cho đối tượng nộp phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn.
5. Tổ chức thu lệ phí nộp 100% vào ngân sách nhà nước.
Nguồn chi phí trang trải cho việc thu phí, lệ phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.
Mức thu cụ thể được quy định tại biểu phí kèm theo Thông tư này
Vương Huế