Đối với huyện Thanh Thủy - một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ với dân số gần 79 nghìn người, có 15 đơn vị hành chính (trong đó có 14 xã và 01 thị trấn). Diện tích tự nhiện của huyện là 12.510,4 ha, trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Huyện uỷ, HĐND và UBND huyện, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Tư pháp, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn, nên công tác đăng ký và quản lý hộ tịch của huyện Thanh Thủy đã có nhiều chuyển biến tích cực, các sự kiện về hộ tịch của nhân dân được các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện kịp thời, đúng quy định của pháp luật; công tác phổ biến giáo dục pháp luật về hộ tịch luôn được chú trọng triển khai đến tận cơ sở; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về hộ tịch của nhân dân được nâng lên; đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch ở cơ sở được quan tâm, củng cố về số lượng và nâng cao kỹ năng nghiệp vụ; các loại sổ, biểu mẫu hộ tịch được hỗ trợ và cung cấp kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hộ tịch.
Luật Hộ tịch năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, đánh dấu sự thay đổi lớn so với các quy định pháp luật trước đây về lĩnh vực Tư pháp-Hộ tịch, đặc biệt thể hiện rõ quan điểm thực hiện phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương, trao thẩm quyền cho UBND cấp huyện giải quyết các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Trước nhiệm vụ mới được giao, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, triển khai của tỉnh, Sở Tư pháp, UBND huyện Thanh Thủy đã ban hành 02 kế hoạch về triển khai thi hành Luật Hộ tịch và các văn bản liên quan, kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024; tổ chức 02 hội nghị triển khai thi hành Luật Hộ tịch, phối hợp tổ chức 15 hội nghị ở các xã, thị trấn với trên 400 lượt người tham dự. Phòng Tư pháp huyện phối hợp với Đài truyền thanh, truyền hình huyện, UBND các xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền Luật Hộ tịch và các văn bản liên quan để toàn thể nhân dân hiểu và thực hiện. Công chức của phòng Tư pháp, cán bộ Tư pháp-Hộ tịch của các xã, thị trấn trong huyện đã tham dự đầy đủ các lớp tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm đăng ký quản lý hộ tịch do Sở Tư pháp tổ chức. Ngoài ra, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND huyện, phòng Tư pháp phối hợp với phòng Nội vụ rà soát, thống kê công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn huyện để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; xác định rõ năng lực, trình độ và nhu cầu phải đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn bảo đảm đến năm 2020 đáp ứng tiêu chuẩn được quy định theo Luật Hộ tịch.
Nhờ những hoạt động tích cực trong công tác triển khai thực hiện, việc quản lý, đăng ký hộ tịch theo Luật Hộ tịch trên địa bàn huyện đã đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân khi tham gia đăng ký hộ tịch. Tổng số đăng ký hộ tịch trên địa bàn huyện từ khi thực hiện Luật Hộ tịch đến nay là: Cấp huyện 14 trường hợp (trong đó đăng ký kết hôn và ghi chú kết hôn 10 trường hợp, đăng ký khai sinh 04 trường hợp); Cấp xã 5.369 trường hợp (trong đó: Đăng ký khai sinh 3.233 trường hợp, đăng ký kết hôn 1.294 trường hợp, đăng ký khai tử 842 trường hợp). 100% người dân đều hài lòng khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến hộ tịch.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, việc quản lý nhà nước đối với công tác hộ tịch trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là: Tình trạng các cơ quan, tổ chức, đoàn thể chưa xác định đúng giá trị pháp lý của giấy tờ hộ tịch, còn gây nhiều khó khăn cho công dân; Nhận thức chưa đầy đủ các quy định của pháp luật về hộ tịch của một bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân; Sự phối hợp thiếu nhịp nhàng giữa các cơ quan hữu quan trong việc giải quyết những sai sót trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân; Công tác tuyên truyền, PBGDPL về đăng ký và quản lý hộ tịch ở cơ sở chưa thực sự sâu rộng; Năng lực của một số cán bộ, công chức làm công tác tư pháp - hộ tịch còn hạn chế.
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước và nâng cao ý thức chấp hành của một bộ phận cán bộ và nhân dân đối với công tác hộ tịch trên địa bàn huyện trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, xác định nhiệm vụ quản lý nhà nước về hộ tịch là một nhiệm vụ chính trị, xã hội cần được quan tâm đặc biệt.
Hai là, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thường xuyên Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành để cán bộ và nhân dân hiểu rõ được vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác hộ tịch.
Ba là, kiện toàn, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch, thường xuyên rà soát, bồi dưỡng và thay thế để cho đội ngũ này thực sự là cán bộ có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt.
Bốn là, tăng cường đầu tư cơ sở, vật chất, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ và nhân dân thực hiện tốt công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.
Năm là, cần có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan trong việc giải quyết những sai sót trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân.
Sáu là, quản lý và áp dụng có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ tin học trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, đây là cơ sở dữ liệu hết sức quan trọng trong việc quản lý hộ tịch và quản lý nhà nước trên các lĩnh vực khác.
Nguyễn Thị Hoa Kiều