Sau 5 năm thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” (Đề án 258), hầu hết các nhiệm vụ, giải pháp đã được tổ chức thực hiện có kết quả trên thực tế, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc của hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu tố tụng trong thời gian qua. Để tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 258 cũng như bổ sung, hoàn thiện các nhiệm vụ mới nhằm tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng trong giai đoạn tiếp theo, ngày 28/02/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 250/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250) với các mục tiêu cụ thể:
Đề án 250 đã xác định rõ 7 mục tiêu cụ thể cần đạt được trong 5 năm tới để công tác giám định tư pháp phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là: Hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, khả thi, phù hợp với tình hình mới; hoàn thiện hệ thống tổ chức pháp y tâm thần theo hướng chú trọng yếu tố trọng điểm, khu vực; đào tạo nguồn nhân lực pháp y, pháp y tâm thần về số lượng, chất lượng chuyên môn và kiến thức pháp lý; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho tổ chức giám định tư pháp công lập; nghiên cứu, kiến nghị cơ chế phù hợp để tổ chức thực hiện giám định theo yêu cầu của hoạt động tố tụng trong các lĩnh vực không có tổ chức giám định tư pháp công lập chuyên trách và đề ra giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp; kiến nghị chính sách bảo đảm việc đãi ngộ và thu hút người làm giám định; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và giữa cơ quan quản lý Nhà nước với cơ quan trưng cầu giám định.
Trên cơ sở kết quả tổng kết 5 năm thực hiện Đề án 258 và mục tiêu cần đạt được trong giai đoạn tiếp theo, Đề án 250 đã đưa ra 3 nhóm nhiệm vụ với 15 giải pháp trọng tâm cụ thể: Nhóm nhiệm vụ thứ nhất tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện chế định giám định tư pháp. Ngay trong năm 2018, các cơ quan tiến hành tố tụng phải ban hành văn bản hướng dẫn việc trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời, cũng trong năm 2018, các bộ, cơ quan ngang bộ cần rà soát, ban hành đầy đủ các văn bản quy định về quy trình giám định hoặc hướng dẫn áp dụng quy trình giám định ở các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, văn hóa, tài nguyên và môi trường, đầu tư, thông tin và truyền thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, khoa học và công nghệ…trong đó, quy định rõ thời hạn giám định ở từng lĩnh vực, bảo đảm hoạt động giám định tư pháp được thực hiện theo trình tự thống nhất trong cả nước. Nhóm nhiệm vụ thứ hai tập trung vào việc hoàn thiện tổ chức giám định tư pháp; nâng cao chất lượng người giám định tư pháp; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giám định. Nhóm nhiệm vụ thứ ba tập trung vào việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giám định tư pháp. Để thực hiện nhiệm vụ này, các cơ quan cần có giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành mình và giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng với nhau, nâng cao cơ chế phối hợp đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả. Để bảo đảm thực thi các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án 250, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai, có kế hoạch thực hiện Đề án tại bộ, ngành, địa phương mình; xác định rõ nhiệm vụ cần thực hiện, thời hạn hoàn thành. UBND các tỉnh, thành phố tổ chức quán triệt, xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành ở địa phương mình. Để bảo đảm điều kiện kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được giao, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng dự toán để gửi cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của Đề án.
Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục củng cố, kiện toàn, bảo đảm điều kiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án ở cấp Trung ương và các địa phương. Trước hết, các bộ, ngành, địa phương phải rà soát lại danh sách Ban Chỉ đạo Đề án, lựa chọn những người có năng lực, trách nhiệm, tâm huyết, thực sự là đại diện của các cơ quan, đơn vị chức năng để giúp Chính phủ, UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án. Đồng thời, cần đổi mới cách thức, chất lượng các cuộc họp của Ban Chỉ đạo để thực hiện hiệu quả, kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án. Đồng thời, các bộ, ngành có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án ở ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý. Bộ Tư pháp có trách nhiệm làm đầu mối hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan để tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao của bộ, ngành, địa phương.
Dịu Huế