Trong đó, Luật Công chứng năm 2014 cũng trao lại cho Công chứng viên thẩm quyền được thực hiện một số hành vi công chứng không được ghi nhận tại Luật Công chứng năm 2006, một trong những hành vi công chứng này chính là công chứng bản dịch.
Công chứng bản dịch là một trong những hành vi công chứng, tại Điều 61 Luật Công chứng năm 2014 quy định về “công chứng bản dịch” như sau: “1. Việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Cộng tác viên phải là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó. Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện. 2. Công chứng viên tiếp nhận bản chính giấy tờ, văn bản cần dịch, kiểm tra và giao cho người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình thực hiện. Người phiên dịch phải ký vào từng trang của bản dịch trước khi công chứng viên ghi lời chứng và ký vào từng trang của bản dịch. Từng trang của bản dịch phải được đóng dấu chữ “Bản dịch” vào chỗ trống phía trên bên phải; bản dịch phải được đính kèm với bản sao của bản chính và được đóng dấu giáp lai. 3. Lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; họ tên người phiên dịch; chứng nhận chữ ký trong bản dịch đúng là chữ ký của người phiên dịch; chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. 4. Công chứng viên không được nhận và công chứng bản dịch trong các trường hợp sau đây: a) Công chứng viên biết hoặc phải biết bản chính được cấp sai thẩm quyền hoặc không hợp lệ; bản chính giả; b) Giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch đã bị tẩy xoá, sửa chữa, thêm, bớt hoặc bị hư hỏng, cũ nát không thể xác định rõ nội dung; c) Giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch thuộc bí mật nhà nước; giấy tờ, văn bản bị cấm phổ biến theo quy định của pháp luật. 5. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết mẫu lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch.”
Từ những nội dung trên, có thể nhận xét về hoạt động công chứng bản dịch như sau: Yếu tố chứng nhận của công chứng viên vào bản dịch chính là điểm khác biệt cơ bản của dịch thuật có công chứng so với hình thức dịch thuật thông thường; chỉ có thể tiến hành thực hiện công chứng bản dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; việc dịch thuật có công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. (Trình độ, cách thức công nhận danh sách cộng tác viên phiên dịch của tổ chức hành nghề công chứng được quy định cụ thể tại Điều 61 Luật Công chứng: “1. Việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Cộng tác viên phải là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó. Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện”. Hình thức của bản dịch có công chứng được quy định cụ thể theo quy định của pháp luật, riêng phần lời chứng của bản dịch phải tuân thủ theo mẫu được đưa ra tại Thông tư số 06/2015/TT-BTP; Quyền và nghĩa vụ của Cộng tác viên phiên dịch cũng như tổ chức hành nghề công chứng, bao gồm cả trách nhiệm mua bảo hiểm, bồi thường thiệt hại,...đối với bản dịch có công chứng đã được pháp luật ấn định. Chỉ những loại giấy tờ, văn bản thỏa mãn một số tiêu chuẩn pháp lý nhất định mới có thể được dịch thuật có công chứng.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Luật Công chứng năm 2014: “1. Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”. Như vậy, về mặt nguyên tắc, công chứng viên phải chịu trách nhiệm về “tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ”, tuy vậy trên thực tế, với các bản dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt điều này là không khả thi, bởi lẽ công chứng viên không thể thông thạo tất cả các ngôn ngữ trên thế giới, cho dù đó là những ngôn ngữ được xác định là rất phổ biến (Theo Khoản 2, Điều 9 Thông tư số 20/2015/TT-BTP: “2. Ngôn ngữ phổ biến được hiểu là ngôn ngữ được thể hiện trên nhiều giấy tờ, văn bản được sử dụng tại Việt Nam và nhiều người Việt Nam có thể dịch ngôn ngữ này ra tiếng Việt hoặc ngược lại. Ví dụ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc, tiếng Tây Ban Nha. Những ngôn ngữ không phổ biến là loại ngôn ngữ ít được thể hiện trên giấy tờ, văn bản sử dụng tại Việt Nam và có ít người có thể dịch được ngôn ngữ này ra tiếng Việt hoặc ngược lại. Ví dụ: tiếng Ả Rập, tiếng Ấn Độ, tiếng Mông Cổ...”) Vì lẽ đó, khi quy định về “Lời chứng của công chứng viên”, Điều 46 Luật Công chứng năm 2014 không đề cập đến lời chứng đối với bản dịch, cụ thể: “1. Lời chứng của công chứng viên đối với hợp đồng, giao dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ, tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; chứng nhận người tham gia hợp đồng, giao dịch hoàn toàn tự nguyện, có năng lực hành vi dân sự, mục đích, nội dung của hợp đồng, giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ trong hợp đồng, giao dịch đúng là chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người tham gia hợp đồng, giao dịch; trách nhiệm của công chứng viên đối với lời chứng; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. 2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết mẫu lời chứng của công chứng viên đối với hợp đồng, giao dịch.”
Và như vậy, mẫu lời chứng bản dịch được ban hành kèm theo Thông tư số 06/2015/TT-BTP cũng không thể hiện trách nhiệm của công chứng viên đối với “tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ” của bản dịch công chứng như đã được khẳng định tại Khoản 3, Điều 61 Luật Công chứng năm 2014.
Một vấn đề nữa khi đề cập đến công chứng bản dịch là việc phân biệt giữa “Cộng tác viên phiên dịch” và “Người phiên dịch”. Khoản 3, Điều 47 Luật Công chứng năm 2014 quy định về người phiên dịch: “3. Trường hợp người yêu cầu công chứng không thông thạo tiếng Việt thì họ phải có người phiên dịch. Người phiên dịch phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thông thạo tiếng Việt và ngôn ngữ mà người yêu cầu công chứng sử dụng. Người phiên dịch do người yêu cầu công chứng mời và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phiên dịch của mình”.
Như vậy, về nguyên tắc, Người phiên dịch và Cộng tác viên phiên dịch đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc biên dịch hay phiên dịch của bản thân; việc cùng ngăn cấm Người phiên dịch và Cộng tác viên phiên dịch không được phép tiến hành dịch thuật trong một số tình huống xác định, do vậy cách thức tiếp cận sẽ là hoàn toàn khác nhau khi đề cập đến hai chức danh kể trên, từ tiêu chí xác định trình độ, cách thức chỉ định,... cho đến biện pháp bảo đảm trách nhiệm pháp lý có thể phải gánh chịu, do vậy tổ chức hành nghề công chứng phải hết sức cân nhắc khi lựa chọn Cộng tác viên dịch thuật và Người phiên dịch bảo đảm về uy tín, trình độ để có thể kiểm soát được chất lượng bản dịch, đây cũng là cơ sở để bảo đảm nâng cao trách nhiệm của Người phiên dịch và Cộng tác viên phiên dịch trong quá trình này./.
Dương Phương - Phòng Công chứng số 1