Trước đây, đã có nhiều trường hợp phiên tòa, phiên họp phải tạm dừng do có hành vi gây rối nghiêm trọng, có những lời lẽ thiếu chuẩn mực, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, thậm chí tấn công Hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng khác, có trường hợp thóa mạ, hành hung ngay tại phiên tòa giữa những đương sự có quyền lợi đối lập nhau, với người bào chữa, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự ngay tại phiên tòa, phiên họp nhưng chế tài trước đây thường chỉ dừng lại ở mức yêu cầu lực lượng bảo vệ hỗ trợ tư pháp mời người có hành vi gây rối, vi phạm nội quy phiên tòa rời khỏi phòng xử án, xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, các Bộ luật tố tụng trước đây cũng đã quy định trường hợp vi phạm nội quy phiên tòa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Tòa án có quyền khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn rất khó xử lý các hành vi này vì pháp luật hình sự chưa điều chỉnh, không có điều luật quy định cụ thể, chi tiết về tội danh và hình phạt.
Gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp thực chất thực chất là hành vi vi phạm việc giữ trật tự nội quy của phiên tòa, phiên họp được quy định tại các Điều 256 BLTTHS, Điều 234 BLTTDS và Điều 153 BLTTHC và tùy vào tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính (Điều 23 Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQ15 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng) hoặc nếu đủ yếu tổ cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 391 BLHS 2015.
Điều 391BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định hành vi "Gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp" được xếp nằm trong nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp:
“Điều 391. Tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp
1. Người nào tại phiên tòa, phiên họp mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi đập phá tài sản, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 178 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
…”.
Như vậy, đối với bất kỳ chủ thể nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự có một trong các hành vi:
Một là, thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp. Thóa mạ là thốt ra những lời xúc phạm nặng nề để sỉ nhục người khác, thể hiện qua những lời nói, cử chỉ, hành động đối với Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia phiên tòa. Như vậy, dù là lời nói xúc phạm danh dự của ai nhưng diễn ra tại phiên tòa, phiên họp thì đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này.
Hai là, hành vi đập phá tài sản: người phạm tội này thực hiện các hành vi như đập phá bàn ghế, đập phá cở sở của Tòa án mà chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 178 BLHS 2015.
Các hành vi nêu trên diễn ra tại phiên tòa (phiên tòa xét xử vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động) hay các phiên họp (xét kháng cáo quá hạn; phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; phiên họp đối thoại; phiên họp giải quyết khiếu nại trả lại đơn khởi kiện…) và đối tượng tác động của tội phạm là: 1) Những người tiến hành tố tụng: Thẩm phán, hội thẩm, thư ký tòa án, kiểm sát viên; 2) người tham gia phiên tòa, phiên họp: người làm chứng, nguyên đơn, bị đơn, người bào chữa, người giám định… hoặc bất cứ người tham gia phiên tòa, phiên họp nào khác; 3) tài sản tại phiên tòa, phiên họp như: bàn, ghế, thiết bị âm thanh, hình ảnh phục vụ công tác xét xử… Tội phạm này xâm phạm hoạt động đứng đắn của cơ quan nhà nước trong hoạt động xét xử. Đối với tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp xâm phạm trực tiếp đến hoạt động tư pháp.
Người phạm tội sẽ bị áp dụng khung hình phạt tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 01 năm đến 03 năm tù nếu như hành vi gây rối trật tự dẫn đến phải dừng phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi hành hung Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tố tụng khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 BLHS.
Thực tiễn, có trường hợp bị đơn đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội “Gây rối trật tự phiên tòa” áp dụng khoản 1 Điều 391 BLHS, cụ thể tại Bản án 30/2020/HSST ngày 13/05/2020 về tội gây rối trật tự phiên tòa có nội dung như sau:
“Ngày 24/9/2019 Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Long đưa ra xét xử vụ án dân sự về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa các đương sự: Nguyên đơn là Nguyễn Đức H và bị đơn là Trần Thị N. Nhưng trong quá trình hội đồng xét xử vào nghị án thì Bà N bắt đầu thực hiện hành vi gây rối, làm mất trật tự tại phiên tòa, cụ thể Bà N liên tục la hét, dùng lời thô thiển chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm ông H đồng thời Bà N nhiều lần xông đến vị trí ông H để đánh thì được lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa can ngăn, không đánh được thì N tiếp tục la hét, chửi bới gây mất trật tự trong phòng xử án. Đến khi Hội đồng trở lại phòng xét xử và tuyên bố tiếp tục xét xử vụ án, không chấp nhận hoãn phiên tòa thì N tiếp tục la hét, chửi bới mức độ lớn tiếng hơn đồng thời tay cầm dép chỉ chỏ về phía Hội đồng xét xử về phía Hội đồng xét xử, Việc gây rối kéo dài khoảng 20 phút làm cho Hội đồng xét xử không thể tiến hành xét xử, đến khi bị cáo tự rời khỏi phòng xử án thì Hội đồng xét xử mới tiếp tục xét xử được”
Nhận định của hội đồng xét xử: “Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, phạm tội với lỗi cố ý, đã trực tiếp xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan xét xử; hành vi của bị cáo còn gây mất an ninh trật tự tại Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Long; gây hoang mang, bức xúc của những người tham dự phiên tòa, bị xã hội lên án và pháp luật nghiêm cấm.”
Vì các lẽ trên Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo N phạm tội “Gây rối trật tự phiên tòa”; áp dụng khoản 1 Điều 391; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 65 của BLHS xử phạt bị cáo Trần Thị N 09 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Như vậy, theo quy định tại Điều 391 của Bộ luật Hình sự nghiêm cấm xúc phạm danh dự, nhân phẩm không chỉ đối với hội đồng xét xử mà cả với những người tham gia tố tụng khác có mặt tại phiên tòa./.
Linh Chi