UBND tỉnh Phú Thọ vừa có Quyết định số 2502/QĐ-UBND ngày 22/9/2022 về việc Phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2022 - 2030. Việc xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh giai đoạn năm 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm thiết lập hệ thống Văn phòng Thừa phát lại; xây dựng đội ngũ Thừa phát lại hướng tới chuyên nghiệp, có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng và phẩm chất đạo đức tốt; Đảm bảo các Văn phòng Thừa phát lại hoạt động hiệu quả, bền vững đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý của người dân và tổ chức góp phần giảm áp lực công việc, giảm chi tiêu ngân sách và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp mà trực tiếp là Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan Thi hành án dân sự; đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh; Tăng cường công tác quản lý và sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong tổ chức và thực hiện hoạt động Thừa phát lại.
Đề án thực hiện chế định Thừa phát lại được chia làm 03 giai đoạn:
- Giai đoạn 2021 – 2025: Phát triển Văn phòng Thừa phát lại ở hai khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, mật độ dân cư cao; đồng thời, có tính đến nhu cầu thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế, hoạt động tố tụng, thi hành án dân sự của các tổ chức, cá nhân tại từng địa bàn cấp huyện. Dự kiến cho phép thành lập 02 (hai) Văn phòng Thừa phát lại tại thành phố Việt Trì và Thị xã Phú Thọ.
- Giai đoạn 2026 – 2030: Sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 2022-2025 đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Đề án cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn tại địa phương. Duy trì hoạt động ổn định của các Văn phòng Thừa phát lại đã thành lập.
- Giai đoạn từ năm 2030: Tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động Thừa phát lại. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, quy mô của các Văn phòng Thừa phát lại đã thành lập.Tùy theo tình hình thực tế, căn cứ vào các tiêu chí do Chính phủ quy định, UBND tỉnh sẽ xem xét giải quyết cho thành lập thêm các Văn phòng Thừa phát lại tại các địa bàn huyện có điều kiện kinh tế -xã hội phát triển nếu thấy thật sự cần thiết.
Đề án đã giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án, giao Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 68, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại và các văn bản pháp luật khác có liên quan; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Đề án này.
qd phe duyet de an phat trien van phong thua phat lai ban sua-2 (1).pdf