Luật xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2013, thay thế Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008). Luật xử lý vi phạm hành chính được ban hành với mục tiêu nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, bất cập, đòi hỏi phải có sự sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác mới được ban hành như: Bộ Luật Hình sự năm 2015, Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Luật Cạnh tranh năm 2018 …
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính (Dự thảo) đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 42/142 điều của Luật XLVPHC; sửa kỹ thuật 13/142 điều của Luật XLVPHC; bổ sung mới 03 điều; bãi bỏ 02 điều: 01 điều của Luật XLVPC và 01 điều của Luật phòng, chống ma túy số 23/2000/QH10 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2008/QH12); sửa đổi, bổ sung 01 điều của Luật thanh tra số 56/2010/QH12, với một số nội dung đáng chú ý như sau:
Một là tăng mức phạt tối đa một số lĩnh vực.
Cụ thể tại khoản 11 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng.
Hai là bổ sung quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt của các chức danh.
Dự thảo sửa đổi tên gọi một số chức danh; bổ sung một số chức danh mới; xem xét, xác định lại thẩm quyền xử phạt của một số chức danh (đặc biệt là các chức danh thuộc lực lượng thanh tra chuyên ngành); sửa đổi quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh theo hướng không bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền.
Bổ sung các chức danh mới có thẩm quyền xử phạt VPHC như Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan; Tổ trưởng thuộc Đội Kiểm soát trực thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 42)
Sửa đổi, bổ sung Điều 53 để quy định cụ thể về những trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt có sự thay đổi về tên gọi, đồng thời với thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc không có sự thay đổi về tên gọi nhưng có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Sửa đổi, bổ sung Điều 54 theo hướng cấp trưởng có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Ba là sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục giải trình.
Sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật tố tụng hình sự; đồng thời, bổ sung trường hợp cơ quan kiểm toán nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm tra theo chức năng trong quá trình kiểm toán, thanh tra, kiểm tra phát hiện các hành vi vi phạm hành chính nhưng không có thẩm quyền xử phạt thì phải chuyển hồ sơ và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Việc xử phạt vi phạm hành chính được căn cứ vào hồ sơ vụ vi phạm do các cơ quan nêu trên chuyển đến.
Bốn là sửa đổi quy định về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Dự thảo Luật sửa đổi các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính: Quy định cụ thể các hành vi vi phạm là điều kiện để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; bổ sung quy định về việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người sử dụng trái phép chất ma túy (Khoản 54,55,56,57, 58 và 59 Điều 1 Dự thảo).
Năm là sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Việc sửa đổi thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện các công việc. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về việc giao gia đình hoặc tổ chức xã hội quản lý người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định áp dụng trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng: Trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, các đối tượng (tùy từng trường hợp cụ thể) sẽ được đưa vào trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc để quản lý.
Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo và sẽ được thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 – Quốc hội Khóa XIV và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội kháo XIV./.
(Chi tiết xem tại file đính kèm)
BBT
Dự thảo Luật sđ, bs Luật XLVPHC ngày 10-2.doc
So sánh Luật và dự thảo 10-2.docx