Triển khai thực hiện Đề án "Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc", năm 2019, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện có hiệu quả việc nhập dữ liệu hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hoàn thiện việc số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Đến giữa năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh mới thực hiện tiếp nhận 1.184.281 dữ liệu hộ tịch đã nhập trên Phần mềm mở rộng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu về việc thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Theo đó, Sở Tư pháp đã thành lập Tổ nhập dữ liệu hỗ trợ cấp huyện, cấp xã thực hiện chuẩn hóa, chỉnh sửa, chia tách dữ liệu hộ tịch theo từng cơ quan đăng ký hộ tịch (Sở Tư pháp, UBND cấp huyện, UBND cấp xã); đề xuất UBND tỉnh thay đổi cách thức thực hiện số hóa giao cho Sở Tư pháp và UBND cấp huyện, UBND cấp xã bố trí nhân lực và các điều kiện cần thiết để trực tiếp thực hiện hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch của từng cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo thời gian theo đúng quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương ưu tiên tập trung mọi nguồn lực triển khai hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ xong trước ngày 15/12/2024. Trên cơ sở chỉ đạo này, Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành, thị và UBND cấp xã đã ưu tiên tập trung mọi nguồn lực nhằm hoàn thành việc số hóa sổ hộ tịch của đơn vị, địa phương. Trong quá trình thực hiện việc số hóa, các đơn vị, địa phương gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực; tốc độ các Phần mềm hộ tịch mở rộng và Phần mềm hộ tịch điện tử chậm; nhiều khoảng thời gian trong ngày không thực hiện truy cập được; nhiều sổ hộ tịch bị hư hỏng, mờ, rách nát, thiếu trường thông tin, thông tin không đồng bộ, thống nhất... Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là công chức toàn ngành Tư pháp đã cùng nhau khắc phục những khó khăn; sáng tạo, áp dụng nhiều giải pháp hay, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ tịch của toàn tỉnh.
Sau khi có chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh, ngày 15/11/2024, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tập huấn và cấp phát tài liệu hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch cho hơn 400 công chức làm công tác Tư pháp của cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh toàn. Trong quá trình thực hiện, Sở Tư pháp thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương triển khai thực hiện. 13/13 huyện, thành, thị đã ban hành kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch tại địa phương mình.

Đoàn công tác của Sở Tư pháp kiểm tra công tác số hóa dữ liệu hộ tịch tại huyện Yên Lập.
Đến ngày 11/12/2024, toàn tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ tịch, với 1.220.507 dữ liệu; trong đó, 908.151 dữ liệu được số hóa trên Phần mềm hộ tịch mở rộng và 312.356 dữ liệu hộ tịch đăng ký từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/3/2019. Như vậy, Sở Tư pháp đã chỉ đạo thực hiện hoàn thành nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh sớm hơm 04 ngày so với yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh (ngày 15/12/2024). Nhiều địa phương đã xuất sắc hoàn thành sớm nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ tịch, như: UBND huyện Hạ Hòa (ngày 29/11/2024); UBND huyện Phù Ninh (ngày 04/12/2024); UBND huyện Cẩm Khê (ngày 06/12/2024); UBND huyện Đoan Hùng (ngày 08/12/2024); UBND huyện Tam Nông (ngày 09/12/2024)... Nhiều địa phương cũng đã hoàn thành việc số hóa mặc dù số lượng dữ liệu hộ tịch rất lớn: UBND thành phố Việt Trì (181.046 dữ liệu), UBND huyện Cẩm Khê (135.303 dữ liệu), UBND huyện Hạ Hòa (117.698 dữ liệu)... Riêng Sở Tư pháp hoàn thành việc số hóa 1.008.731 dữ liệu hộ tịch đăng ký trước ngày 01/01/2016.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ tịch, Sở Tư pháp không chỉ bám sát các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh mà còn đã chủ động phối hợp với Cục Công nghệ thông tin; Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện đúng trọng tâm, đồng thời tích cực đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo hoàn thành công tác số hóa dự liệu hộ tịch. Thường xuyên hỗ trợ; tổ chức đi kiểm tra, hướng dẫn trực tiếp tại cơ sở nhằm kịp thời động viên, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Các địa phương cũng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt nhằm hoàn thành mục tiêu theo yêu cầu. Nhiều địa phương đã có những cách làm hay, hiệu quả, phát động thành chiến dịch, phong trào thi đua: “Chiến dịch 30 ngày đêm số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn huyện” của UBND huyện Hạ Hòa và huyện Cẩm Khê; “Phong trào thi đua lập thành tích xuất sắc trong công tác số hóa dữ liệu hộ tịch” của UBND huyện Phù Ninh; “Phong trào thi đua đặc biệt 20 ngày đêm trong việc thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch” của UBND huyện Yên Lập ... Đồng thời, linh hoạt huy động sự tham gia của các lực lượng như: Công an, giáo viên, phụ nữ, thanh niên, văn hóa, nông dân, cựu chiến binh... vào thực hiện nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ tịch.
Việc hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, cán bộ quản lý Nhà nước và đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử; góp phần bảo quản hồ sơ, dữ liệu hộ tịch dễ dàng, hạn chế hư hại về mặt vật lý; tiết kiệm không gian, chi phí, nguồn nhân lực và phải lưu trữ số lượng lớn hồ sơ hàng năm. Việc đẩy mạnh hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh trong một thời gian ngắn cũng là minh chứng cho sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Sở Tư pháp; sự thống nhất, vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, tiến tới thực hiện giảm tải quy trình tác nghiệp cho công chức làm công tác hộ tịch, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc khai thác dữ liệu hộ tịch cá nhân và thực hiện các thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến./.
TIẾN DŨNG
Phòng Bổ trợ & Hành chính tư pháp