Nhằm xác định cụ thể các nội dung công việc, tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ tổ chức triển khai thi hành Luật Công chứng mà Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp thực hiện, ngày 03/01/2025, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 12/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Công chứng.
Kế hoạch triển khai thi hành Luật Công chứng tập trung vào 13 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó giao nhiệm vụ cho các đơn vị chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện, cụ thể như sau:
Đối với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp thực hiện triển khai các nhiệm vụ:
-Tổ chức quán triệt việc thi hành, phổ biến và tập huấn nội dung của Luật Công chứng;
-Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động công chứng; xây dựng báo cáo kết quả rà soát và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật;
- Xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Công chứng theo Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 19/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8; sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Công chứng;
- Xây dựng, trình Chính phủ ban hành chiến lược phát triển về lĩnh vực công chứng;
- Xây dựng Đề án quản lý, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng;
- Rà soát, cập nhật, đăng tải các giao dịch phải công chứng, chứng thực trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp;
- Xây dựng chương trình khung đào tạo nghề công chứng và tài liệu đào tạo nghề công chứng phù hợp với quy định của Luật Công chứng;
Đối với Sở Tư pháp các địa phương: Rà soát, phát triển đội ngũ công chứng viên tại địa phương; Xem xét, quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực giao dịch từ Phòng Tư pháp cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng tại những địa bàn cấp huyện đã phát triển được 6 tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức; Rà soát, giải quyết các vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của các Phòng công chứng hiện có tại địa phương theo quy định khoản 14 Điều 76 của Luật; Tham mưu UBND cấp tỉnh trong việc ban hành giá tối đa đối với dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng áp dụng đối với các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương
Đối với Hiệp hội công chứng viên: Triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam theo quy định tại Điều 41 của Luật Công chứng./.
QĐ 12.pdf
KH triển khai thi hành Luật CC.pdf