Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất được tiến hành thường xuyên, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định, hạn chế tình trạng "thông đồng, dìm giá", gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân và làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
Thông qua công tác đấu giá quyền sử dụng đất, nhà nước có thể quản lý và phân bổ đất đai một cách hiệu quả, đảm bảo việc sử dụng đất hợp lý và phát triển hạ tầng đô thị, công nghiệp và các dự án phát triển khác. Các khoản tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương và trung ương, giúp tài trợ cho các dự án phát triển hạ tầng và phúc lợi xã hội.
Đấu giá quyền sử dụng đất là công cụ để nhà nước thực hiện các chính sách đất đai, tái phân bố đất, điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất, và kiểm soát quỹ đất, giúp quản lý tốt hơn tài nguyên đất, đảm bảo sự phát triển bền vững và hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội, và môi trường. Đấu giá quyền sử dụng đấtmang lại sự công khai, minh bạch và công bằng trong việc tiếp cận đất đai cho các nhà đầu tư, giúp xác định giá trị thị trường của đất đai một cách minh bạch, từ đó đóng vai trò quan trọng trong ổn định giá đất và tránh tình trạng "bong bóng" bất động sản.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đấu giá quyền sử dụng đất vẫn còn khó khăn, vướng mắc, bất cập như: Việc xác định giá khởi điểm quyền sử dụng đất để đấu giá còn chênh lệch lớn so với giá thị trường; tình trạng đầu cơ, trục lợi của một số tổ chức, cá nhân trong đấu giá quyền sử dụng đất vẫn còn xảy ra; một số trường hợp tham gia đấu giá và trả giá rất cao sau đó bỏ cọc nhằm mục đích đẩy giá lên cao; một số trường hợp trúng đấu giá xong nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán; tình trạng “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ” giữa những người tham gia đấu giá, người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường; nhiều trường hợp vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất,...
Việc này đã gây tác động xấu cho hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương, gây thiệt cho Nhà nước và các tổ chức, cá nhân; làm cho hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất không lành mạnh, thiếu công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích có hành vi trái pháp luật để trục lợi.

Buổi công bố kết quả trả giá tại khu Đồng Nhà Vác, thị trấn Lâm Thao
Để phát huy hiệu quả vai trò của đấu giá quyền sử dụng đất, cần có các quy định pháp lý rõ ràng, quy trình minh bạch và cơ chế giám sát chặt chẽ, nhằm tránh những tác động tiêu cực đến thị trường và nền kinh tế cùng với việc tổ chứcthực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, tiếp tục phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Luật Đấu giá tài sản năm 2016; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đấu giá tài sản năm 2024; Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; chú trọng triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 02/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.
Thứ hai, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy định về đấu giá quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất tại địa phương, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan, trong đó chú trọng nội dung về đấu giá đất quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư có giá trị lớn, có vị trí thuận lợi, ‘tiềm năng” đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ ba, tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người có thẩm quyền quản lý tài sản, người có tài sản trong việc phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó chú trọng các điều kiện của người tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật; chỉ đạo cơ quan được giao tổ chức đấu giá phối hợp với tổ chức đấu giá tài sản đánh giá thận trọng, chặt chẽ, khách quan và đúng quy định các hồ sơ tham gia đấu giá, điều kiện tham gia đấu giá để kịp thời phát hiện dấu hiệu "thông đồng, móc nối" giữa những cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá; đồng thời, giám sát việc thực hiện theo đúng phương án đấu giá quyền sử dụng đất đã được phê duyệt.
Thứ tư, thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo các tiêu chí quy định tại Luật Đấu thầu năm2024 và Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định việc lựa chọn đơn vị, tổ chức thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đảm bảo lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản có uy tín, năng lực, kinh nghiệm, khách quan trong việc đấu giá quyền sử dụng đất; thực hiện nghiêm túc các quy định về thông báo công khai việc lựa chọn, công bố các thông tin liên quan đến việc đấu giá, đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Thứ năm, tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó tập trung vào các nội dung như phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất; đồng thời, tiếp nhận, xử lý kịp thời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức về hoạt động đấu giá tài sản quyền sử dụng đất. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức đấu giá, người có tài sản đấu giá và người tham giá đấu giá.
Thứ sáu, cần phải nghiên cứu thực hiện thí điểm việc đấu giá quyền sử dụng đất bằng hình thức trực tuyến nhằm góp phần ngăn chặn các hành vi "thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ”, thu hút đông đảo các cá nhân, tổ chức có như cầu thực tham gia đấu giá và đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước./.
Thu Trang