GIAI ĐOẠN ỔN ĐỊNH TỔ CHỨC BỘ MÁY, CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ BƯỚC ĐẦU ĐI VÀO HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ
Sau khi Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 11 nhất trí thông qua bản Hiến pháp 1992 trong phiên họp ngày 15/4/1992, Ngành Tư pháp Việt Nam có sự thay đổi cơ bản về tổ chức và hoạt động, Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ đã ban hành Thông tư liên bộ số 12/TTLB ngày 26/7/1993, theo đó, Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, có chức năng giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương và chịu sự quản lý về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp.
Cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp giai đoạn này gồm: Lãnh đạo Sở và 06 đơn vị thuộc, trực thuộc, cụ thể: Phòng Hành chính - Tổng hợp - Thanh tra; Phòng Tổ chức cán bộ và quản lý Tòa án địa phương; Phòng Văn bản - Tuyên truyền; Phòng Tư pháp khác; Phòng Công chứng số 1. Đặc biệt, năm 1993, thực hiện Nghị quyết Quốc hội khóa IX và Pháp lệnh Thi hành án dân sự, Phòng Thi hành án được thành lập thuộc Sở Tư pháp, trong những ngày đầu thành lập, Cơ quan Thi hành án dân sự còn gặp nhiều khó khăn, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế nhưng Sở Tư pháp luôn quan tâm đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu công việc. Cơ cấu tổ chức Sở Tư pháp trong giai đoạn này cụ thể như sau:
* Lãnh đạo Sở:
- Giám đốc: Đồng chí Phùng Văn Toàn (từ 1990-1997).
- Phó Giám đốc: Đồng chí Nguyễn Doãn Khánh (từ 1990-1996); đồng chí Ngô Công Quyền (từ 1997-1999).
* Các phòng thuộc, đơn vị trực thuộc:
- Phòng Hành chính - Tổng hợp - Thanh tra.
- Phòng Tổ chức cán bộ và quản lý Tòa án địa phương.
- Phòng Văn bản - Tuyên truyền.
- Phòng Tư pháp bổ trợ.
- Phòng Thi hành án dân sự.
- Phòng Công chứng số 1.
Trong giai đoạn này, với phương châm, ổn định tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức và bước đầu đi vào hoạt động hiệu quả, Sở Tư pháp đã đạt nhiều thành tích trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản liên quan đến tổ chức và hoạt động của Ngành; tập trung sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng cán bộ theo chủ trương trẻ hóa đội ngũ, ưu tiên tuyển dụng cán bộ có trình độ chính quy và có kiến thức thực tiễn. Đặc biệt, trong giai đoạn này, Sở đã chủ động, tích cực phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội mở 05 Lớp Trung cấp Luật hệ vừa học vừa làm đào tạo cho 500 học viên là cán bộ chủ chốt, cán bộ tư pháp ở cơ sở và cán bộ dự nguồn chức danh tư pháp ở cơ sở; cử 21 đồng chí cán bộ công chức khối Văn phòng Sở, Tòa án nhân dân và Đội Thi hành án dân sự cấp huyện tham gia học các lớp Đại học Luật hệ chuyên tu; đào tạo Thạc sỹ luật 01 đồng chí và nhiều cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về Cử nhân, Cao cấp, Trung cấp Lý luận chính trị.
Trước nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức Sở Tư pháp trong giai đoạn này, 02 năm 1993, 1995, Sở Tư pháp vinh dự được nhận Cờ thi đua của Bộ Tư pháp; năm 1995 được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Kỷ niệm Chương Hùng Vương của tỉnh Vĩnh Phú; 03 năm, 1992, 1994, 1997 được tặng thưởng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; năm 1991 được tặng thưởng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phú.