Thời gian qua, công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh đã được các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị quan tâm chỉ đạo và bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực; nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận, giải quyết TTHC ngày càng được nâng cao; công tác tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kiểm tra việc công khai, TTHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương được chú trọng, từ đó góp phần nâng cao tính minh mạch, khả năng tiếp cận thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết TTHC. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục như: Một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác kiểm soát TTHC nói riêng và cải cách hành chính nói chung, dẫn đến việc triển khai thực hiện công tác này còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa rõ nét; việc bố trí cán bộ đầu mối thực hiện kiểm soát TTHC chưa đáp ứng yêu cầu công việc; chưa quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác kiểm soát TTHC; việc tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp tại một số cơ quan, đơn vị vẫn để xảy ra sai sót, thời gian giải quyết còn chậm trễ,....
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời tăng cường thực hiện công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung về công tác kiểm soát TTHC như sau:
1. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác kiểm soát TTHC (Nghị định số 63/2010/NĐ-CP; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP; Nghị định số 20/2008/NĐ-CP của Chính phủ; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 05/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ; các Thông tư của Bộ Tư pháp: Số 05/2014/TT-BTP ngày 07/02/2014; số 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014,...) gắn với việc tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức trực tiếp làm nhiệm vụ về kiểm soát TTHC. Xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cơ quan, đơn vị, địa phương.
2. Chỉ đạo rà soát, thống kê, cập nhật các TTHC mới ban hành, TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bị hủy bỏ, bãi bỏ được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC thuộc phạm vi giải quyết và lĩnh vực quản lý của đơn vị mình (của cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã), từ đó kịp thời xây dựng dự thảo quyết định công bố TTHC, gửi Sở Tư pháp kiểm soát chất lượng trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố theo quy định. Đồng thời chỉ đạo khắc phục ngay tình trạng văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC đã có hiệu lực nhưng chưa được công bố.
Lưu ý trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh có quy định về TTHC, cơ quan chủ trì soạn thảo phải thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động TTHC và lấy ý kiến góp ý của Sở Tư pháp theo quy định. Việc lấy ý kiến góp ý vào bản đánh giá tác động được thực hiện trước khi đề nghị thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.
3. Thường xuyên rà soát, đánh giá các quy định, TTHC không cần thiết, không hợp lý, thiếu đồng bộ, dễ nảy sinh tiêu cực, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức thuộc phạm vi chức năng quản lý của ngành, đơn vị, địa phương mình, kịp thời đề xuất với UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nhằm đáp ứng yêu cầu công tác cải cách hành chính.
4. Duy trì, thực hiện nghiêm túc việc niêm yết, công khai TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết đã được Chủ tịch UBND tỉnh công bố tại trụ sở của cơ quan, đơn vị theo đúng quy định. Bố trí phân công cụ thể cán bộ đầu mối trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm soát TTHC tại các cơ quan, đơn vị; trường hợp có thay đổi về cán bộ đầu mối, cơ quan, đơn vị phải có văn bản thông báo kịp thời cho Sở Tư pháp để tổng hợp, trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thay đổi. Yêu cầu cán bộ, công chức khi tiếp nhận, thụ lý hồ sơ có liên quan đến TTHC cho tổ chức, cá nhân phải thực hiện theo đúng quy định tại bộ thủ tục hành chính đã được công bố; chỉ được hướng dẫn đúng, đầy đủ một lần cho các tổ chức, cá nhân, không được yêu cầu bổ sung thêm các loại giấy tờ ngoài quy định; khi tiếp nhận hồ sơ cần ghi rõ thời gian tiếp nhận và trả kết quả. Thực hiện công khai địa chỉ, số điện thoại chuyên dùng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.
5. Tăng cường công tác kiểm tra và tự kiểm tra việc thực hiện TTHC tại cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền giải quyết và quản lý; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có biểu hiện, hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực hoặc chậm trễ giải quyết hồ sơ TTHC cho tổ chức, cá nhân.
6. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Thực hiện tốt kế hoạch hoạt động kiểm soát TTHC hàng năm trên địa bàn tỉnh.
7. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện công tác kiểm soát TTHC theo quy định.
Tăng cường công tác KSTTHC.doc