Triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ – TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 25/2021/QĐ – TTg), ngày 8/11/2021, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 5188/KH-UBND thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ – TTg về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ đối với công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, xác định những yêu cầu và các nhiệm vụ trọng tâm phù hợp nhằm triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của Quyết định 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, tập huấn kịp thời cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ đánh giá, thẩm định các tiêu chí, chỉ tiêu trong đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên các phương tiện thông tin truyền thông; thông qua các hoạt động kiểm tra công tác tư pháp, thẩm định tiêu chí xã đạt nông thôn mới/ nông thôn mới nâng cao; đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới/ nông thôn mới nâng cao; huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định. Cụ thể:
Năm 2022: Tổ chức 01 Hội nghị theo hình thức trực tuyến 13/13 điểm cầu ở UBND các huyện, thành, thị và các điểm cầu ở cấp xã cho gần 2000 cán bộ, công chức.
Năm 2023: Tổ chức 02 lớp tập huấn trực tiếp tại UBND huyện Cẩm Khê, UBND huyện Phù Ninh cho hơn 200 đại biểu, bao gồm: Thành viên Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật huyện; Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, thị trấn; công chức: Tư pháp - Hộ tịch, Văn phòng - thống kê, Văn hóa - xã hội, Tài chính - kế toán, Công an xã,...; tổ chức thành công 01 Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về chuẩn tiếp cận pháp luật cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành, thị và UBND các xã, phường, thị trấn; tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp biên soạn và phát hành 1.750 cuốn Sổ tay hướng dẫn xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; 1.425 cuốn tài liệu Hướng dẫn thực hiện tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; 30.000 Tờ gấp pháp luật về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục và quy trình đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;...
Thường xuyên cập nhật, đăng tải các chủ chương, chính sách pháp luật mới của Trung ương, của tỉnh và các văn bản có liên quan đến nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ, Trang Thông tin điện tử PBGDPL tỉnh, Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp, Đài Truyền thanh- Truyền hình cấp huyện, hệ thống Truyền thanh cơ sở,... góp phần nâng cao ý thức của cán bộ, Nhân dân trong xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Hằng năm, chủ động kiểm tra công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Từ tháng 7/2021 đến nay thẩm định tiêu chí tiếp cận pháp luật đối với 26 xã đề nghị công nhận nông thôn mới/ nông thôn mới nâng cao và tham gia thẩm tra tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định đối với 02 huyện đề nghị công nhận nông thôn mới; thường xuyên rà soát những tiêu chí, chỉ tiêu còn khó khăn trong thực hiện để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Kết quả đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật: Hằng năm, việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đều được triển khai thực hiện đúng quy định:
Năm 2022: Tỉnh Phú Thọ có 221/225 đơn vị cấp xã đạt (đạt 98,2%), 04/225 đơn vị cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (chiếm 1,8%).
Năm 2023: Có 220/225 đơn vị cấp xã đạt đạt chuẩn tiếp tiếp cận pháp luật (đạt 97,8%) giảm 0,4% so với năm 2022 (98,2%), 05/225 đơn vị cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt2,2%), tăng 0,4% so với năm 2022 (1,8%).
Tính đến nay, không có xã, phường, thị trấn nào bị thu hồi hoặc hủy bỏ quyết định công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Có thể thấy, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ra đời đã tạo cơ sở pháp lý và có hướng dẫn cụ thể hơn trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, góp phần thúc đẩy nhiệm vụ này được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả. UBND tỉnh Phú Thọ quan tâm chỉ đạo Sở Tư pháp, UBND cấp huyện, cấp xã chủ động triển khai thực hiện các quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP góp phần đảm bảo mục tiêu xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật, thực hiện dân chủ ở sở sở. Các cấp, các ngành đã đồng thuận, quan tâm bố trí nguồn lực cơ bản đáp ứng yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Nhiều mô hình, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở đã được tổ chức thực hiện rộng rãi, hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc đánh giá công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế: Việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cần có sự hỗ trợ phối hợp của các cấp, các ngành, tuy nhiên, tại một số địa phương nhiệm vụ này đang giao cho ngành Tư pháp mà thiếu sự phối hợp của các ngành, lĩnh vực nên hiệu quả thực hiện còn hạn chế.
Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức đối với công tác này còn chưa đầy đủ; đội ngũ cán bộ, công chức tinh giản, đơn vị hành chính cấp xã sát nhập khiến một số địa phương gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Việc xây dựng mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; thực hiện tiêu chí trợ giúp pháp lý...chưa có hướng dẫn cụ thể.
Nguồn kinh phí bố trí cho công tác này là trong nguồn kinh phí phổ biến giáo dục pháp còn hạn chế. Tại một vài địa phương trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ kinh phí từ nguồn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nhưng không nhiều, không thường xuyên qua các năm. Kinh phí xã hội hóa chủ yếu mới thực hiện được tại một số cấp xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, giá trị nguồn lực huy động thấp.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới UBND tỉnh sẽ tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể:
- Tiếp tục quán triệt và chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện đúng và hiệu quả các quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP về cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Củng cố, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, địa phương, cán bộ, công chức về vai trò, ý nghĩa của công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng hoàn thiện hệ thống tổ chức hành chính ở cấp xã; hướng tới môi trường pháp lý tiến bộ tại cấp cơ sở, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân được thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật.
- Thực hiện xây dựng, đánh giá cấp xã đạt chuẩn pháp luật có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, lĩnh vực liên quan từ khâu triển khai đến tổ chức thực hiện. Tiếp tục gắn nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới/nông thôn mới nâng cao, đô thị văn minh.
- Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ này. Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật.
- Thông tin, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, chính quyền các cấp về nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bằng các hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.
- Bảo đảm các nguồn lực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về chuẩn tiếp cận pháp luật, nhất là nguồn lực về kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật./.