Thực hiện Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, năm 2024, UBND tỉnh Phú Thọ đã quan tâm, triển khai công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt được một số kết quả, cụ thể như sau:
Công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện
Năm 2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 558/KH-UBND ngày 05/02/2024 về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024, trong đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện đồng bộ nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra, chú trọng đa dạng hóa, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp thường xuyên quan tâm theo dõi, hướng dẫn[1] các địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL). Đây là một trong các cơ sở nhằm đánh giá tính hiệu quả của chính quyền cấp xã trong thực hiện các chức trách, nhiệm vụ được giao; đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
UBND các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh đều ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nhằm thực hiện rà soát, đánh giá công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL hiệu quả. Tại UBND các xã, phường, thị trấn, hầu hết đều có kế hoạch hoặc phân công cho từng bộ phận, công chức cấp xã trong việc tổ chức thực hiện và theo dõi rà soát, đánh giá kết quả thực hiện đối với các tiêu chí, chỉ tiêu, điều kiện làm cơ sở đánh giá đạt chuẩn TCPL đảm bảo thực chất, hiệu quả.
Công tác thông tin, truyền thông, tập huấn
Năm 2024, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Tư pháp, các Sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện, xã thực hiện việc thông tin, truyền thông, phổ biến sâu rộng đến các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, nội dung công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL; đặc biệt đối với các văn bản mới ban hành quy định về công tác này[2].
Sở Tư pháp thường xuyên biên soạn, biên tập các tin tức, bài viết, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL và thẩm định các tiêu chí, chỉ tiêu TCPL trong đánh giá nông thôn mới trên Trang Thông tin điện tử PBGDPL tỉnh Phú Thọ, Trang TTĐT Sở Tư pháp, Bản tin Tư pháp Phú Thọ. UBND cấp huyện, cấp xã tích cực phổ biến các quy định về chuẩn TCPL bằng nhiều hình thức phù hợp: lồng ghép tại hội nghị cơ quan, giao ban, sinh hoạt các câu lạc bộ, tại các cuộc họp khu dân cư, hệ thống loa truyền thanh và trên Trang/Cổng thông tin điện tử của huyện, xã.
Sở Tư pháp đã chủ trì tổ chức 02 Hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ về tiêu chí, chỉ tiêu TCPL trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh[3] cho hơn 200 đại biểu là thành viên Hội đồng đánh giá chuẩn TCPL cấp huyện, công chức Phòng Tư pháp, lãnh đạo UBND cấp xã và các công chức cấp xã được phân công thực hiện nhiệm vụ này. Biên soạn, phát hành hơn 1.500 cuốn Hướng dẫn chỉ tiêu, tiêu chí TCPL trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh giai đoạn 2021-2025 đến các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức liên quan và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh. Một số UBND cấp huyện đã tổ chức các hội nghị tập huấn về nghiệp vụ và hội thảo về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác này[4] và biên soạn, phát hành tờ gấp pháp luật[5]. Qua đó, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò; nâng cao nghiệp vụ về công tác đánh giá, công nhận chuẩn TCPL cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu, thực hiện nhiệm vụ.
Công tác kiểm tra, triển khai giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, năm 2024, Sở Tư pháp thực hiện kiểm tra công tác chuẩn TCPL tại 02 đơn vị cấp huyện và 04 đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh: UBND huyện Đoan Hùng và 02 xã Yên Kiện, Hùng Xuyên; UBND huyện Tân Sơn và 02 xã Thu Ngạc, Kim Thượng[6]. Từ đó, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để kịp thời hướng dẫn, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Nhằm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao năm 2024[7], UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp thẩm định tiêu chí, chỉ tiêu TCPL trong đánh giá xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao đối với 12 xã[8]; 01 huyện đề nghị công nhận đạt huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025[9]. 100% các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh đều ban hành kế hoạch kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn TCPL và hòa giải ở cơ sở hoặc lồng ghép kiểm tra công tác chuẩn TCPL trong kiểm tra công tác tư pháp tại các xã trên địa bàn huyện.
Bên cạnh việc thực hiện kiểm tra theo kế hoạch, Sở Tư pháp, các Phòng Tư pháp còn thường xuyên bám sát, theo dõi, kịp thời hướng dẫn giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác này tại các địa phương.
Việc bố trí nguồn lực thực hiện
- Về nguồn nhân lực: Ở cấp tỉnh, Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh được giao nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác chuẩn TCPL. Tại Sở Tư pháp, Phòng Phổ biến & Theo dõi thi hành pháp luật được giao tham mưu, giúp Giám đốc Sở thực hiện nhiệm vụ này; Phòng hiện nay được bố trí 04 công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.
Ở cấp huyện, Hội đồng đánh giá chuẩn TCPL đều được thường xuyên kiện toàn, đảm bảo đúng thành phần, số lượng theo quy định[10]. Phòng Tư pháp là đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ tham mưu đối với công tác này.
Ở cấp xã, công chức Tư pháp – Hộ tịch được giao nhiệm vụ chủ trì, đầu mối tham mưu UBND cấp xã trong thực hiện đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn TCPL.
- Về kinh phí: Ở Sở Tư pháp, nguồn kinh phí cho công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL được bố trí chung trong nguồn kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật: 850 triệu đồng. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp được bố trí 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 để tổ chức thực hiện một số hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác chuẩn TCPL gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh.
Ở cấp huyện, cấp xã: Nguồn kinh phí cho công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL được bố trí chung trong nguồn kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, nguồn kinh phí chung này cũng tương đối ít, không đồng đều. Một số địa phương cấp huyện[11]được bố trí nguồn kinh phí để triển khai một số hoạt động nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác chuẩn TCPL của địa phương từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Kết quả: Năm 2024, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều tổ chức thực hiện đánh giá, công nhận chuẩn TCPL đảm bảo thời hạn quy định. Kết quả: 215/215 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp tiếp cận pháp luật, đạt 100%; tăng 2,5% so với năm 2023.
Có thể thấy công tác triển khai thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã. UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo; Sở Tư pháp luôn bám sát, theo dõi, kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp các khó khăn, vướng mắc cho địa phương, cơ sở nhằm thực hiện các nội dung đúng quy định; UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện rà soát, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL nghiêm túc, công khai, đầy đủ cơ sở. 100% các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh đều tổ chức thực hiện đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL đảm bảo đúng tiến độ, nội dung và thẩm quyền.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, như sau:
- Hầu hết các địa phương cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh chưa chủ động trong việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; một số địa phương chưa chủ động trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp.
- Một số địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện đánh giá chuẩn TCPL hằng năm và trong đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu trong đánh giá xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Việc đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu còn thiếu chặt chẽ, chưa đảm bảo yêu cầu.
Để năm 2025, tiếp tục thực hiện tốt công tác này, tỉnh đã đề ra một số giải pháp:
- Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn nhằm thực hiện tốt, hiệu quả Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các quy định liên quan đến tiêu chí, chỉ tiêu TCPL trong đánh giá nông thôn mới. Gắn việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL với việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2021-2025 tại địa phương.
- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn kịp thời công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL, đảm bảo thực hiện rà soát, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu đúng quy định, có căn cứ phù hợp, phản ánh đúng thực tế; đồng thời tích cực nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả, cách làm hay để nâng cao chất lượng xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng đánh giá chuẩn TCPL tại các huyện, thành, thị và vai trò, trách nhiệm của công chức cấp xã trong việc theo dõi, đánh giá từng chỉ tiêu, tiêu chí trong đánh giá, công nhận cấp xã đạt TCPL. Tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp tài liệu cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác này.
- Bố trí đảm bảo nguồn lực (nhân lực, kinh phí) phục vụ công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Tư pháp: Xây dựng phần mềm (cơ sở dữ liệu) về đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc thống kê báo cáo số liệu. Tham mưu sửa đổi một số quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó tập trung vào một số các nội dung như: Xây dựng nội dung các chỉ tiêu, tiêu chí đảm bảo bám sát, gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp; quy định về thời hạn thực hiện báo cáo định kỳ kết quả công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận hằng năm phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả; các biểu mẫu kèm theo báo cáo kết quả công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận có tính thống kê khát quát hơn nhằm dễ dàng trong đánh giá số liệu, thuận lợi cho địa phương trong quá trình thực hiện. Tiếp tục tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nói chung và công tác chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
[1]- Kế hoạch số 26/KH-STP ngày 27/3/2024 về thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 trong năm 2024;
- Công văn số 734/STP-PB&TDTHPL ngày 9/7/2024 về tổ chức thực hiện Quyết định số 1143 ngày 20/6/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về hướng dẫn nội dung tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật trong đánh giá nông thôn mới và đô thị văn minh;
- Công văn số 1286/STP-PB&TDTHPL ngày 31/10/2024 hướng dẫn một số nội dung trong rà soát đánh giá, và thực hiện chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật trong xây dựng NTM, NTM nâng cao;
- Công văn số 1405/STP-PB&TDTHPL ngày 22/11/2024 hướng dẫn đánh giá chuẩn tiếp cận
pháp luật đối với các ĐVHC cấp xã, cấp huyện hình thành sau sắp xếp.
[2] Quyết định số 211/QĐ-TTg ngày 01/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 1143/QĐ-BTP ngày 20/6/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn nội dung chỉ tiêu, tiêu chí “tiếp cận pháp luật” trong đánh giá nông thôn mới và đô thị văn minh; Quyết định số 870/QĐ-UBND ngày 10/5/2024 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí của Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao và ban hành một số tiêu chí huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 – 2025.
[3]Hội nghị tại UBND huyện Thanh Ba, UBND huyện Tân Sơn
[4]UBND huyện Hạ Hòa (01 Hội nghị tập huấn, 01 Hội thảo), UBND huyện Thanh Sơn, UBND huyện Đoan Hùng, UBND huyện Phù Ninh
[6]Kế hoạch số 42/KH-ĐKT ngày 23/9/2024
[7] Xác định tại Quyết định số 2658/QĐ-UBND ngày 12/12/2023 của UBND tỉnh về việc giao nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch vốn ngânsách năm 2024
[8]Các xã: Trung Giáp, Phú Lộc (huyện Phù Ninh); Bảo Yên (huyện Thanh Thủy); Yên Kỳ (huyện Hạ Hòa); Thạch Khoán (huyện Thanh Sơn); Bằng Doãn, Tây Cốc, Chí Đám, Minh Phú (huyện Đoan Hùng); Minh Tân, Tiên Lương, Phượng Vĩ (huyện Cẩm Khê).
[10]13/13 huyện, thành, thị đều có Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật
[11]UBND huyện Thanh Sơn, UBND huyện Hạ Hòa, UBND huyện Phù Ninh