50 năm tuổi đảng, 10 năm là trưởng khu, ông luôn tâm niệm dù làm bất cứ việc gì từ nhỏ đến lớn cũng phải đặt hết trách nhiệm vào, có như thế mới hoàn thành tốt công việc. Trước khi về nghỉ hưu ông là công nhân nhà máy quốc phòng Z121. Hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, ông lại được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng khu. Giữ nhiệm vụ trưởng một khu dân cư có 460 nhân khẩu, ông rất trăn trở phải làm sao để quản lý tốt dân cư, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nhân dân để hoàn thành tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Nghĩ là làm, ông đã tự mày mò, sáng tạo ra hệ thống quản lý khu dân cư theo sơ đồ với từng loại số liệu khác nhau, theo từng nội dung: điểm chú ý về hòa giải; người đã bị án phạt, điểm chú ý ma túy; gia đình chính sách, khẩu tật nguyền, khẩu làm tự do, khẩu làm giáo viên, bác sỹ, lái xe; khẩu tham gia cán bộ khu…Khi cần bất cứ số liệu thống kê nào ông có thể cung cấp ngay lập tức, chỉ mặt, điểm tên từng nhà, từng khẩu chi tiết đến từng năm sinh, công việc. Để làm được cuốn sổ dữ liệu này trước hết cần sự quan tâm, trách nhiệm, tỉ mỉ, sau đó là tình cảm, sự quan tâm. Từng năm, số liệu thay đổi, ông cập nhật theo ngày, theo tháng, có biến động gì về nhân khẩu, cần chú ý gì về cuộc sống, có điều gì bất ổn về tinh thần, vật chất của mỗi hộ dân ông cũng đều nắm được. Khu dân cư do ông quản lý được chia thành 5 tổ dân phố và 8 tổ liên gia. Ông khoanh vùng những địa điểm cần chú ý về an ninh trật tự để phối hợp với tổ liên gia nhằm giữ gìn, phòng chống những tai tệ nạn có thể xảy ra.
Nắm rõ từng hộ, từng khẩu khiến cho công việc của ông trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Bên cạnh công việc của một trưởng khu, những năm qua ông vừa xây dựng, vừa duy trì tốt hoạt động của tổ hòa giải với 9 thành viên đều là những cán bộ đoàn thể của khu, người có uy tín. Ông chia sẻ: “Làm công tác hòa giải, trước hết phải dự kiến trước được những tình huống sắp phát sinh , phải nắm bắt tư tưởng của người dân, những hộ nào, điểm nào dễ nảy sinh vấn đề gì. Điều đó có nghĩa phải làm tốt công tác quản lý, để khi xảy ra bất cứ vụ mâu thuẫn cần hòa giải nào cũng không bị động. Nhiều năm ở khu dân cư, tôi nhận thấy những mâu thuẫn chủ yếu liên quan đến mối quan hệ lợi ích, tranh chấp về ranh giới giữa hàng xóm, láng giềng và mâu thuẫn trong nội bộ các gia đình ”. Để giải quyết những mâu thuẫn này theo ông không thể dựa vào một người mà cần sự phối hợp của các lực lượng, đại diện các đoàn thể trước khi vào hòa giải. Ông quan niệm, muốn hòa giải thành công phải làm tốt công tác nâng cao nhận thức cho người dân. Vì thế việc tổ chức thông tin pháp luật được khu 15 triển khai thường xuyên, trước mỗi cuộc hòa giải ông và các thành viên trong tổ hòa giải luôn chuẩn bị các tài liệu về pháp luật một cách kỹ càng. Ông Vịnh cũng có một cách làm sáng tạo khi nắm bắt sắp xảy ra một vấn đề tranh chấp liên quan đến nội dung pháp luật, ông thường đón đầu trước, khi tổ chức họp tổ dân phố ông triển khai luôn nội dung và những quy định của pháp luật có liên quan. Việc làm này có hiệu quả tức thì, để người dân tự nhận thức, thấy việc làm của mình là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
10 năm gắn bó với công việc trưởng khu và là một tổ trưởng tổ hòa giải, ông luôn tâm niệm, trong công việc không phải lúc nào cũng dùng cái lý, đôi khi phải vận dụng cả cái tình, để “thấu tình, đạt lý”, vẫn trọn vẹn công việc mà vẫn giữ gìn hòa khí và tình đoàn kết trong khu dân cư. Những tâm tư đó đã được ông cụ thể hóa một cách khoa học trong quyển sổ dữ liệu về khu dân cư số 15, để khi nói về ông nhiều người gọi ông là “Ông Vịnh số liệu”. Nhưng cách làm của ông là một cách làm sáng tạo cần được nhân rộng.
Thu Hà