Anh Trần Văn Lâm – một thầy giáo trẻ đang giảng dạy tại Trường THCS Sông Lô (TP.Việt Trì) được nhiều người biết đến bởi ý chí nỗ lực, vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Sinh năm 1984, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Địa, Khoa Khoa học – Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Hùng Vương, anh Lâm về dạy môn Địa lý tại Trường THCS Sông Lô. Ở trường, anh luôn nỗ lực hoàn thành công việc một cách tốt nhất, giảng dạy với tất cả nhiệt huyết và cái tâm của người thầy. Cũng bởi sự chân thành đó mà mỗi thế hệ học sinh được anh dìu dắt đều yêu mến và thầm cảm phục, biết ơn người thầy tận tụy.
Căn nhà nhỏ nhắn, đơn sơ nơi anh Lâm đang sinh sống cùng với mẹ anh ở khu 8, xã Sông Lô cũng mộc mạc và giản dị như chính bản thân người thầy ấy. Tiếp xúc với anh, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác bởi những câu chuyện anh kể thể hiện sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, đặc biệt là niềm đam mê của anh với lịch sử. Trong cuộc thi Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Thọ, thầy giáo Lâm đã tham gia và đạt giải Nhì cấp thành phố và giải Ba toàn tỉnh. Sau khi cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được phát động, thầy Lâm đã tìm hiểu thể lệ, câu hỏi và tích cực tìm tòi các tư liệu để viết bài dự thi. Vào thời điểm đó, thầy Lâm cũng đang phải triển khai bài dự thi Tích hợp liên môn dành cho giáo viên THCS. Ngoài thời gian giảng dạy chính khóa trên lớp, thầy Lâm còn đảm nhiệm trọng trách bồi dưỡng đội tuyển thi học sinh giỏi của trường nên khá bận. Thời gian viết bài dự thi của thầy Trần Văn Lâm thường vào buổi tối và những ngày thứ bảy, chủ nhật rảnh rỗi. Tối tối, thầy chỉ dành một khoảng thời gian xem chương trình thời sự để nắm bắt thông tin, sau đó chuẩn bị giáo án rồi bắt tay vào viết bài dự thi tìm hiểu Hiến pháp. Trên cơ sở các câu hỏi của Cuộc thi, thầy Lâm đã định hình đề cương bài viết rồi mượn tài liệu ở thư viện xã, của bạn bè và tham khảo qua mạng internet để nghiên cứu viết bài. Thầy giáo tâm sự: “Nhiều khi mải đọc, rồi viết bài quên cả giờ giấc, nghe tiếng gà gáy, nhìn lên đồng hồ thì đã gần 4 giờ sáng… Trong số 9 câu hỏi của cuộc thi, tôi thích nhất câu hỏi số 1 bởi đây là câu mang tính tổng quát toàn bộ lịch sử lập hiến của nước nhà. Hoàn thành bài dự thi của mình, cái được nhất đó chính là tôi đã nắm được nhiều nội dung, đặc biệt là vấn đề nhân quyền được quy định trong Hiến pháp năm 2013.”
Sau hơn 2 tháng miệt mài, thầy Trần Văn Lâm đã hoàn thành bài dự thi với độ dài 507 trang. Vốn tính cẩn thận nên thầy tiến hành in nháp rồi đọc lại, soát và sửa lỗi 2 lần sau đó mới in chính thức và đóng bìa. Bài dự thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của thầy giáo Lâm được đầu tư công phu, các trang viết đều được in màu trên nền giấy ảnh đẹp mắt. Qua đó có thể thấy được tinh thần nhiệt huyết, đam mê của người thầy giáo này đối với cuộc thi, đồng thời cũng thể hiện sự trân trọng của một công dân đối với tinh thần của Hiến pháp…
Chúng tôi tìm đến gia đình chị Đỗ Thị Thực ở khu 3, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê. Chị Thực là một nhà giáo gương mẫu, luôn đi đầu trong các hoạt động của Trường THCS Yên Dưỡng (huyện Cẩm Khê). Ngoài ra chị còn nhiệt tình tham gia các cuộc thi và đã giành được một số giải thưởng: Giải Nhất cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học cấp tỉnh; giải Nhất lĩnh vực và giải Ba chung cuộc cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học cấp Quốc gia, giải Ba cuộc thi Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh… Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được phát động đúng vào thời điểm cô giáo Đỗ Thị Thực đang trong thời gian nghỉ chế độ thai sản. Mặc dù mới sinh con hơn 1 tháng, việc chăm con nhỏ cũng vất vả nhưng cô giáo Thực vẫn hăng hái tham gia với sự ủng hộ nhiệt tình của cả chồng và bố mẹ chồng. Tâm sự với chúng tôi, anh Chu Tiến Đạt (chồng chị Thực) vui vẻ kể: “Cô ấy là thế đấy, lúc nào cũng chỉ thích đọc và nghiên cứu, tìm tòi. Mặc dù con nhỏ, bận bịu với hàng trăm thứ việc nhưng khi nắm được thông tin về cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp, cô ấy vẫn sắp xếp việc nhà một cách hợp lý để tham gia viết bài dự thi.”
Khi được hỏi về nguyên nhân gì khiến chị tâm đắc và nhiệt tình tham gia các cuộc thi đến vậy, chị Thực mỉm cười nói: “Là một người đảng viên, một nhà giáo, bên cạnh việc chủ động học hỏi, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, tôi thấy mình cần gương mẫu trong các phong trào để làm gương cho những người khác, đặc biệt là đồng nghiệp, học sinh của mình. Đối với cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” lại càng có ý nghĩa to lớn bởi trong đó có nhiều nội dung quy định quyền và nghĩa vụ của con người. Có nắm bắt được thì chúng ta mới hiểu và thực hiện được phương châm “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”…”
Hằng ngày, chị Thực vẫn chu toàn việc nhà, chăm sóc con nhỏ. Đêm đến, sau khi cho con ngủ say, chị lại ngồi bên chiếc máy vi tính cặm cụi viết bài dự thi. Những trang viết phân tích sâu, lồng ghép sự so sánh, đối chiếu với các bản Hiến pháp trước kia đã thể hiện sự nhiệt tình và coi trọng cuộc thi của người phụ nữ đam mê học hỏi, nghiên cứu khoa học. Mẹ chồng chị Thực, bà Hoàng Thị Na cho biết: “Thực là một người con dâu đảm đang và hết lòng vì chồng con. Biết con dâu tham gia cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp, vợ chồng tôi cũng động viên, cổ vũ nhiệt tình, trông cháu giúp để con dâu tôi có thêm thời gian nghiên cứu, viết bài thi được tốt nhất.”
Với sự dày công, say mê nghiên cứu, tìm tòi, bài dự thi của cô giáo Đỗ Thị Thực và thầy Trần Văn Lâm là những bài thi chất lượng, đúng theo mục đích, yêu cầu của ban tổ chức đề ra. Nhưng ý nghĩa hơn cả đó là tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của những người công dân được thể hiện qua quá trình làm bài dự thi. Mặc dù cuộc thi đã khép lại, song họ vẫn mong muốn mọi người hãy tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu Hiến pháp để nội dung của Hiến pháp được lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, từ đó nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng, chấp hành và bảo vệ Hiến pháp.
Huyền Trang