Theo những tài liệu cổ, lễ hội của người Việt xuất hiện từ thời nhà Lý (thế kỉ 11) nhưng có quan điểm cho rằng lễ hội dân tộc Việt Nam đã hình thành từ khi khai thiên lập địa, được hình thành và phát triển theo chiều dài lịch sử của đất nước, biểu hiện qua trống đồng Đông Sơn, những hình ảnh trên mặt trống đồng là minh chứng cho người đời sau nhận thấy rằng: từ xa xưa, ông cha ta đã biết kết hợp giữa hoạt động vui chơi giải trí với hoạt động nghề nghiệp sản xuất.
Câu hỏi bài viết này sẽ đi sâu vào là hai vấn đề: những mặt tích cực của câu ca “Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè” và những mặt hạn chế nhất định mà đã đi sâu vào ý thức của mỗi người dân Việt Nam như một điều tất yếu của sự hiển nhiên.
Mặt tích cực của câu ca, theo tác giả, chủ yếu có 3 vấn đề cốt lõi sau:
1. Lễ hội mang lại khoảng thời gian nhàn rỗi khi cuộc sống phong phú, thoải mái hơn
Lễ hội Việt Nam thường tổ chức vào lúc nông nhàn bởi sau một năm lao động vất vả, lam lũ, khó nhọc “con trâu đi trước, cái cày đi sau” , người nông dân cần có một khoảng thời gian nghỉ ngơi để “tái sản xuất sức lao động”, lấy lại sức lao động để tiếp tục sản xuất vụ mùa mới. Điều đó càng có ý nghĩa với người nông dân quanh năm không đi qua khỏi luỹ tre làng, được giao lưu, vui chơi, giải trí thực sự. Bởi khoảng thời gian sau dịp Tết Nguyên Đán, người dân chỉ phải làm vụ Đông Xuân nên nhàn hơn. Hơn nữa, dư âm ngày Tết vẫn còn phảng phất nên tổ tiên ta đã vận dụng thời gian nông nhàn đó để tổ chức lễ hội, lấy lại sự thăng bằng cho cuộc sống. Chính vì thế, đa số lễ hội đều được tổ chức vào ba tháng đầu năm, chứ không phải ba tháng giữa năm hay cuối năm. Ví dụ như Hội làng Phù Ninh, lễ hội hát xoan ở xã Kim Đức (huyện Phù Ninh)…
Lễ hội có chức năng gắn kết cộng đồng. Tính cộng đồng được thể hiện ngay ở việc thờ cúng chung của cả làng. Đối với tất cả mọi thành viên trong làng ai cũng có ý thức tham gia hội làng để cùng thờ cúng chư vị thần linh và cùng vui chơi giải trí nên hội làng bao giờ cũng mang tính tập thể cao.
Chính vì thế, lễ hội là dịp để toàn thể dân làng cùng nhau tổ chức các hoạt động của lễ hội. Sau phần lễ, là phần hội với các trò chơi dân gian, diễn xướng dân gian tiêu biểu như ở lễ hội cướp cầu đánh phết làng Sơn Vi, lễ hội giã bánh giày làng Trúc Phê ( huyện Tam Nông)… Mọi người cùng hoà vào nhau, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, địa vị xã hội…cùng chơi những trò chơi tập thể. Có thể nói lễ hội đã xoá nhoà mọi ranh giới giữa con người với nhau. Tiêu biểu nhất là Quốc Giỗ vua Hùng (Phú Thọ), lễ hội đền Mẫu Âu Cơ- xã Hiền Lương, … Lễ hội biểu hiện giá trị xã hội của một cộng đồng. Lễ hội bao giờ cũng gắn với một sự kiện, hiện tượng nào đó, gắn với một nhân vật cụ thể có thể là nhân vật lịch sử có thật hoặc hư cấu do tưởng tượng mà nên. Các nhân vật ấy gắn với cộng đồng từ trong quá khứ cho tới mãi sau này. Đó có thể là nhân vật giúp dân làng đánh thắng giặc ngoại xâm, chinh phục thiên nhiên, hay đơn giản là các vị tổ sư ngành nghề đã có công truyền dạy nghề cho dân làng. Qua đó, lễ hội mang ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước và lòng tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc, của làng xã cho thế hệ con cháu. Ví dụ: Lễ hội làng Phú Nham (xã Phú Nham) thờ tướng lĩnh thời Hùng Vương, lễ hội đình Lỗ Trì (Thị trấn Phong Châu) thờ 6 anh em họ Sơn Nhà Hùng, lễ hội bơi trải Bạch Hạc( Việt Trì)…
Bên cạnh đó, câu ca dao không tránh khỏi những mặt tiêu cực sau: Nhiều người dân đã vin vào cái cớ của câu ca này để ăn chơi, tiêu xài hoang phí dẫn đến tệ nạn xã hội xảy ra nhiều nhất vào ba tháng đầu năm. Đành rằng, những tháng đầu năm mưa nhiều nên dân ta không dễ làm ăn và việc đi lễ hội, lễ chùa là một việc đáng quý nhưng nếu quá lạm dụng việc này thì lại không tốt. Đi lễ hội và cầu cúng là quyền tự do tín ngưỡng của mọi người. Nhưng tín ngưỡng mù quáng và chỉ nhằm mục đích cầu lộc, cầu tài là điều đáng phê phán. Tổ tiên ta khi sáng tạo ra câu ca này chỉ với mục đích là để những người nông dân quanh năm “ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” được vui chơi, giải trí sau những ngày tháng lao động vất vả. Không như nhiều người cho rằng câu ca này cổ vũ cho hiện tượng ăn chơi sa đà vào mỗi dịp lễ hội.
Tuy nhiên thực tế cho thấy câu ca “ Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè” đang bị lạm dụng quá đà. Có lẽ người Việt ăn Tết dài nhất thế giới khi đã có tháng giêng rồi mà vẫn còn kéo theo tháng hai, tháng ba cờ bạc, hội hè. Câu ca trên đã trở thành con dao hai lưỡi khi những kẻ ham chơi, lười làm “vin” vào đó để ăn chơi cờ bạc, rượu chè. Theo một thống kê, mỗi năm cả nước có khoảng gần 8.000 lễ hội, trong đó chủ yếu là lễ hội dân gian với số lượng trên 7.000. Như vậy, trung bình mỗi người Việt Nam tham gia trên 20 lễ hội. Một con số đáng báo động trong khi nước ta còn nghèo! Điều đó đi ngược lại hoàn toàn với ý nghĩa mà tổ tiên ta sáng tạo ra câu ca này. Với vai trò là người quản lí văn hoá trên địa bàn huyện, phòng Văn hoá- thông tin huyện Phù Ninh phải hướng dẫn các tổ chức, đơn vị và nhân dân trên địa bàn huyện thực hiện phong trào văn hoá, văn nghệ; phong trào thể dục thể thao, lễ hội truyền thống, tránh bị kẻ xấu lợi dụng hoạt động lễ hội để tuyên truyền, chống phá. Chính vì thế, khi chúng ta đang trải qua tháng hai và dần chuẩn bị bước sang tháng ba hội hè, mỗi người dân hãy sáng suốt trong việc đi lễ chùa cũng như việc vui chơi giải trí lành mạnh để vừa kế thừa những nét đẹp truyền thống vừa hoà nhập với cuộc sống hiện đại.
|
Nguyễn Thị Kim Ngân
Phòng Văn Hoá Thông Tin
|