Năm 2022 là năm đầu tiên cả nước thực hiện việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có 221/225 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (98,2%), 04/225 đơn vị cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (1,8%).
Công tác chỉ đạo, điều hành tổ chức triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cơ bản đã được UBND cấp huyện, cấp xã quan tâm triển khai thực hiện. Các xã được kiểm tra đã xây dựng kế hoạch triển khai, phân công công chức chuyên môn thực hiện đánh giá, chấm điểm, theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật. Quy trình, thời hạn đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận được thực hiện bám sát theo quy định. Việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá tiếp cận pháp luật đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân, đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của công dân đối với các quy định của pháp luật.

Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác chuẩn tiếp cận pháp luật đến 13/13 điểm cầu ở UBND các huyện, thành, thị và 225/225 điểm cầu ở UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cho gần 2000 cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương vẫn còn gặp một số hạn chế, khó khăn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. Một số nơi chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc, chưa xác định việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, độc lập, vẫn còn thực hiện hình thức để xét nông thôn mới. Phòng Tư pháp các huyện, thành, thị chưa hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ kịp thời; công tác kiểm tra, tập huấn ở địa phương chưamang lại hiệu quả thiết thực để cấp xã triển khai theo đúng quy định.
Khá nhiều xã chưa ban hành văn bản phân công cụ thể cho từng công chức có liên quan khi thực hiện nhiệm vụ này. Cán bộ chuyên môn còn lúng túng khi triển khai theo dõi, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật được phân công theo dõi hoặc chưa nắm vững về chuyên môn nghiệp vụ; một số xã có phân công trách nhiệm nhưng chưa rõ ràng và cụ thể; chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của công chức chuyên môn theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật trong phối hợp tổ chức triển khai nhiệm vụ.
Số liệu, thông tin giữa các báo cáo, tài liệu phục vụ đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu chưa thống nhất, chưa đầy đủ. Việc chấm điểm một số tiêu chí, chỉ tiêu còn hình thức; không có tài liệu kiểm chứng để đối chiếu, so sánh; có chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu theo quy định nhưng vẫn chấm điểm tối đa.
Một số địa phương còn nhận thức chưa đúng về thẩm quyền, nội dung, hình thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nhầm lẫn giữa hòa giải ở cơ sở với hòa giải tranh chấp đất đai của UBND cấp xã; chưa hiểu rõ về điều kiện công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và cách chấm điểm một số chỉ tiêu tiếp cận pháp luật…
Kinh phí bố trí cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật ở cấp xã còn rất eo hẹp; một số xã chưa bố trí kinh phí riêng cho công tác hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật…
Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật một số địa phương không tổ chức họp thẩm định, đánh giá hồ sơ, kết quả chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu và điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, mà chủ yếu lấy ý kiến bằng văn bản của các thành viên Hội đồng nên việcquyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn chưa sát với thực tế.
Để công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đem lại hiệu quả thiết thực, các địa phương cần chú trọng thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, UBND cấp huyện, cấp xã phân công các phòng chuyên môn làm đầu mối, nâng cao trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong theo dõi, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện đối với từng chỉ tiêu, tiêu chí; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ, tránh tình trạng “khoán trắng” cho công chức Tư pháp.
Hai là, UBND xã, phường, thị trấn ban hành kế hoạch triển khai cụ thể, chỉ đạo công chức chuyên môn theo dõi, cập nhật tình hình thường xuyên, liên tục và phải được thực hiện ngay từ đầu năm, tránh tình trạng đến cuối năm mới rà soát, đánh giá. Nắm kỹ từng tiêu chí, chỉ tiêu, cách tính điểm, các quy định pháp luật có liên quan của từng nội dung để làm cơ sở chấm điểm sát thực tế, đánh giá, công nhận khách quan và thực chất.
Ba là, các phòng chuyên môn có liên quan của UBND cấp huyệnthường xuyên chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ xây dựngxã, phường, thị trấnđạt chuẩn tiếp cận pháp luật để có giải pháp khắc phục kịp thời đối với những tiêu chí, chỉ tiêu còn hạn chế. Đặc biệt quan tâm việc xây dựng mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật và mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở hoạt động có hiệu quả được công nhận theo tiêu chí tiếp cận pháp luật theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật các huyện, thành, thị; phân công rõ nhiệm vụ các thành viên, chỉ đạo phát huy đầy đủ trách nhiệm của từng thành viên Hội đồng trong tham mưu Chủ tịch UBNDcùng cấp xem xét và công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm.
Năm là, bảo đảm nguồn lực, kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, trong đó chú trọng nguồn kinh phí tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật./.
BBT