Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh Phú Thọ; Sở Tư pháp đã chỉ đạo, cụ thể hóa, gắn trách nhiệm quản lý của cơ quan với các nội dung cụ thể trong các chương trình, kế hoạch công tác pháp chế, xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật hàng năm nhằm đảm bảo đúng các nguyên tắc, định hướng của Đảng, trình tự, thủ tục theo quy định của Nhà nước và đạt được những kết quả cụ thể:
1. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng
Trong 5 năm (2019 – 2024), Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 176 Quyết định của UBND tỉnh (đạt tỷ lệ 100%). Qua hoạt động tự kiểm tra cho thấy các văn bản đã ban hành đều đúng thẩm quyền, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, cơ bản đúng quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày.
Hàng năm, Sở Tư pháp đã trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố danh mục văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần; công bố Danh mục văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023, trong đó có: 336 văn bản QPPL còn hiệu lực (114 Nghị quyết; 222 Quyết định); 68 văn bản QPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ (37 Nghị quyết; 30 Quyết định; 01 Chỉ thị); 01 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần (01 Quyết định); 27 văn bản QPPL cần đình chỉ việc thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới (06 Nghị quyết; 21 Quyết định). Rà soát, tổng hợp danh mục văn bản giao địa phương quy định chi tiết tại các văn bản QPPL liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng do Trung ương ban hành. Rà soát các văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành giai đoạn 2019- 2024, hiện có 02 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thi hành liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Quyết định số 15/2016/QĐ-UBND ngày 08/11/2016; Quyết định số 25/2020/QĐ-UBND ngày 18/12/2020). Qua hoạt động rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi và khả năng thực thi hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng thống nhất, đồng bộ và phù hợp với tập quán tiêu dùng của người dân.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng
Việc tuyên truyền, quán triệt, triển khai liên quan đến công tác bảo vệ người tiêu dùng được Sở Tư pháp chủ yếu thực hiện lồng ghép. Qua đó, đảm bảo việc triển khai Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Chỉ thị số 30-CT/TW đạt chất lượng, hiệu quả. Giai đoạn 2019-2024, Sở Tư pháp đã biên tập, phát hành nhiều đề cương giới thiệu Hiến pháp, các Luật, Nghị định, các văn bản chỉ đạo công tác PBGDPL của Trung ương, của tỉnh; cấp phát nhiều tài liệu tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân; chủ động biên soạn, in ấn hàng trăm nghìn cuốn tài liệu, cẩm nang, tờ gấp tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; bảo vệ an ninh tổ quốc; quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự, một số quy định pháp luật về tiếp cận thông tin; về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cấp phát 1.836 cuốn sách pháp luật cho các sở, ban, ngành; 13 huyện, thành, thị và 225 xã, phường, thị trấn; xây dựng, biên soạn và xuất bản 1.750 cuốn Sổ tay hướng dẫn xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và 30.000 tờ gấp tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục và quy trình đánh giá, công nhận xa, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; 39.000 tờ gấp về một số quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy; 39.000 tờ gấp về quyền và nghĩa vụ của công dân về cư trú; biên soạn và phát hành gần 50.000 tờ gấp pháp luật tuyên truyền về một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và một số quy định cụ thể về kết hôn...
3. Công tác theo dõi thi hành pháp luật và quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, hằng năm, Sở Tư pháp thực hiện kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại UBND các huyện, thành, thị và các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, kiểm tra và đánh giá về việc ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra của UBND cấp huyện, cấp xã, lãnh đạo Sở trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; đánh giá tình hình đảm bảo các điều kiện cho việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và kiểm tra về xử lý vi phạm hành chính trong tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được thực hiện nghiêm túc, đã đi vào nền nếp. Các hành vi hành chính được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và được xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đúng thẩm quyền, nghiêm minh, khách quan, công bằng và công khai.
4. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong các hoạt động hợp tác về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khuôn khổ ASEAN và quốc tế
Với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết trong 05 năm vừa qua cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta về việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các nước, ngày càng cụ thể hóa và đi vào chiều sâu, tạo sự đan xen, gắn kết giữa lợi ích của Việt Nam với các nước, tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế nước ta, thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 08/KH-STP ngày 28/01/2021 triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Kế hoạch số 33/KH-STP ngày 09/6/2021 thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-Len (UKVFTA), trong đó đã xác định những nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện các FTA thế hệ mới. Ngày 20/7/2021, Sở đã ban hành Văn bản số 569/STP-VBQPPL về tiếp tục triển khai Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 19/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện và khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực. Đồng thời, tiếp tục vận hành, quản trị Trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ; thực hiện cung cấp thông tin nội dung khảo sát về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo yêu cầu của Sở Công thương.
Chỉ thị số 30-CT/TW và các văn bản pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Sở Tư pháp quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, bám sát nguyên tắc, định hướng, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp. Hoạt động quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đảm bảo tuân thủ quy định của nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh./.
Vũ Hà