Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 08/01/2025 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025; UBND tỉnh Phú Thọ đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tích cực tham mưu công tác xây dựng pháp luật nhằm cải thiện điểm số, thứ hạng Chỉ số cải thiện các quy định của pháp luật. UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 332/Ctr-UBND thực hiện các Nghị quyết số: 01/NQ-CP, 02/NQ-CP ngày 08/01/2025 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã ban hành văn bản triển khai phù hợp với tình hình của cơ quan, đơn vị; đồng thời tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong các Chương trình, Kế hoạch cảu Trung ương, của tỉnh.
Việc triển khai thực hiện chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật trong 6 tháng đầu năm 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả, cụ thể:
1. Về lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL
Từ ngày 16/11/2024 đến ngày 15/5/2025, các Nghị quyết do HĐND tỉnh Phú Thọ ban hành đều thuộc loại quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên, chính sách, biện pháp nhằm đảm bảo thi hành Hiến pháp, Luật, văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương. Thường trực HĐND tỉnh đã xem xét, chấp thuận 24 Tờ trình của UBND tỉnh đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh; các cơ quan chuyên môn đã trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định 45 Tờ trình đề nghị xây dựng Quyết định của UBND tỉnh. Các đề nghị xây dựng Quyết định của UBND tỉnh, được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 127 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và Điều 43 Nghị định số 78/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
2. Về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
UBND tỉnh đã ban hành 45 Quyết định quy phạm pháp luật, trình HĐND tỉnh ban hành 24 Nghị quyết quy phạm pháp luật; cấp huyện không ban hành văn bản QPPL; cấp xã ban hành 37 Quyết định quy phạm pháp luật. 100% văn bản QPPL của tỉnh ban hành trong 6 tháng đầu năm 2025 đều có báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp. Nội dung thẩm định tập trung vào đối tượng, phạm vi điều chỉnh, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với các quy định giao trong văn bản giao quy định chi tiết; về ngôn ngữ và kỹ thuật xây dựng văn bản. Hầu hết các ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp đều được các cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu hoặc giải trình.
3. Về xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết
Trên cơ sở thông báo của Bộ Tư pháp về các nội dung giao chính quyền địa phương quy định chi tiết các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 163/QĐ-UBND ngày 23/01/2025 của UBND tỉnh ban hành Danh mục quyết định của UBND tỉnh quy định chi tiết thi hành Luật được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Các cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo đã tích cực, chủ động trong việc rà soát văn bản có liên quan, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo trình UBND tỉnh ban hành hoặc báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành đảm bảo đúng quy định.
4. Công tác rà soát, kiểm tra văn bản QPPL
Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 45 Quyết định của UBND tỉnh, phối hợp với Ban Pháp chế HĐND tỉnh tự kiểm tra 24 Nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành. Qua hoạt động tự kiểm tra, chưa phát hiện văn bản QPPL có nội dung trái pháp luật. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, đã phát hiện văn bản cá biệt do các cấp, các ngành ban hành chưa đúng thẩm quyền, chưa đảm bảo quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày. Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý theo quy định. HĐND, UBND cấp huyện không ban hành văn bản QPPL do đó không có văn bản QPPL tự kiểm tra, kiểm tra theo quy định. Đối với cấp xã: ban hành 37 Quyết định quy phạm pháp luật; các quyết định do UBND cấp xã ban hành đều quy định chi tiết nội dung được giao tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022. UBND tỉnh đã công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND hết hiệu lực toàn bộ và một phần năm 2024, niêm yết công khai theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó: 28 VBQPPL hết hiệu lực toàn bộ; 05 văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực một phần.
Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, của Bộ Tư pháp và các bộ ngành Trung ương, 6 tháng đầu năm 2025, UBND tỉnh đã tiến hành rà soát văn bản QPPL báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cụ thể: Báo cáo số 31/BC-UBND ngày 19/3/2025 của UBND tỉnh về kết quả rà soát và đề xuất phương án xử lý các văn bản quy phạm pháp luật theo định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Báo cáo số 42/BC-UBND ngày 14/4/2025 của UBND tỉnh về kết quả rà soát văn bản QPPL chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước trên địa bàn tỉnh; Báo cáo rà soát các quy định có tính chất hạn chế quyền và quy định có vướng mắc, bất cập trong thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong hệ thống VBQPP.
Thông qua công tác xây dựng VBQPPL đã kịp thời cụ thể hóa các quy định của Trung ương, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Hệ thống văn bản QPPL của tỉnh được ban hành tương đối đồng bộ, thống nhất đã tác động tích cực đến việc nâng cao các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số về sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); góp phần quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL đã góp phần đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật trên địa bàn tỉnh./.